Phiên giao dịch 23-3, tất cả loại dầu đều rớt giá dưới mốc 30 USD/thùng. Theo đó, giá dầu Brent cao nhất chỉ còn 28,22 USD, kế đến là giá dầu Opec là 27,31 USD. Thấp nhất là giá dầu Mars US chỉ 19,18 USD.
Tuy giảm sốc nhưng giá dầu thời điểm này vẫn còn lạc quan. Ngân hàng Citi vừa đặt ra một kích bản đầy bi quan khi cho rằng giá dầu WTI sẽ xuống 5 USD/thùng, trong khi phiên 23-3 đang giữ 22,69 USD và giá dầu Brent chỉ còn 10 USD.
Ông Jeffrey Currie, chuyên gia phân tích Ngân hàng Goldman Sachs, cho biết giá dầu rớt vì nhu cầu giảm chưa từng thấy khi COVID-19 đang "khóa chặt" ngành du lịch, làm giảm nguồn cầu 8 triệu thùng/ngày. Ngoài ra cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga cũng khiến giá dầu rớt thảm hại.
Với việc giá dầu thế giới liên tục tụt giảm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại.
Cách làm này vừa gia tăng dự trữ dầu thô cho đất nước, củng cố vấn đề an ninh năng lượng khi đây luôn là mặt hàng chiến lược trong các mối tương quan chính trị khu vực và thế giới; vừa giúp ngân sách tiết kiệm một khoản ngoại tệ không nhỏ khi phải nhập khẩu dầu lúc giá dầu lên cao và tránh lãng phí tài nguyên.
PVN cũng cho biết kế hoạch đặt ra ban đầu của PVN sẽ đạt 4,67 tỉ USD doanh thu trong năm 2020 với kịch bản giá dầu khoảng 60 USD/thùng.
Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,36 tỉ USD. Nộp ngân sách nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1,5 tỉ USD xuống còn 806 triệu USD.