Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu Mỹ đã rớt xuống mức âm chưa từng thấy. Thậm chí giá dầu thô có thời điểm lao dốc về âm 40 USD/thùng, mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Nguyên nhân được giới chuyên môn cho là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này giảm mạnh. Đặc biệt là những ngành du lịch, hàng không, vận tải.
Không chỉ tiêu dùng của các DN mà tiêu dùng của các cá nhân cũng hạn chế giao dịch, đi lại. Và mặc dù Saudi Arabia và Nga đã quyết định giảm sản lượng nhưng do nhu cầu giảm quá mức nên vẫn dẫn đến giá dầu thô vẫn bị giảm âm.
Nhiều chuyên gia nhận định với tình hình này thì có khả năng nhiều DN kinh doanh lĩnh vực này trên thế giới sẽ phá sản.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội Thẩm định giá lo ngại, nếu giá dầu xuống như hôm nay thì thị trường dầu khí Việt Nam sẽ bị tác động rất lớn.
Về mặt tích cực, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu dầu thế giới, sẽ giúp giảm chi phí việc nhập khẩu xăng dầu. Cạnh đó, khi giá dầu thế giới giảm thì Việt Nam cũng phải giảm giá xăng dầu trong nước, giúp người tiêu dùng giảm chi phí tiêu dùng xăng dầu. Về vĩ mô, giúp giảm áp lực về kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, ông Thỏa cho rằng ngoài những yếu tố tích cực thì cũng có tác động rất tiêu cực là giá dầu càng giảm thì nguồn thu của ngân sách nhà nước càng giảm mạnh. Bao gồm nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu, các loại thuế, nguồn thu từ xăng dầu thành phẩm bán ra trên thị trường nội địa... gây nhiều khó khăn cho ngành dầu khí Việt Nam.
Nhận định về tình hình xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá dầu thế giới đang giảm sâu như vậy, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho biết do Việt Nam không nhập dầu thô để phục vụ bán lẻ mà nhập dầu thành phẩm tham chiếu giá từ thị trường Singapore nên không chịu tác động nhiều từ diễn biến tại Mỹ.
Theo đó, giá dầu thành phẩm tại thị trường Singapore chỉ giảm nhẹ xuống mức khoảng 25 USD/thùng. Tuy vậy, xu hướng giảm giá chung tất cả mặt hàng cũng sẽ tạo tác động tích cực đến giá xăng dầu bán lẻ trong nước.
Phân tích thêm về giá dầu thế giới giảm sâu ngày hôm qua, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước lý giải, hợp đồng ký mua dầu thô của tháng 5 kết thúc vào ngày 21-4. Thời điểm này, do hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều rơi vào đình trệ, tiêu dùng thấp chưa từng có, đẩy tồn kho tăng quá cao và thiếu kho dự trữ nên nhiều hợp đồng tuy đã ký nhưng chưa xuất do bên mua không có chỗ chứa.
Áp lực đẩy dầu đi đã khiến thị trường xoay chuyển theo hướng bên bán phải bù thêm khoản tiền để bên mua đưa dầu đi khi lượng ký bán đã quá nhiều mà không được tất toán. Nói cách khác, trên thị trường tương lai, khi hợp đồng dầu thô hết hạn, bên bán chuyển giao hàng hóa và bên mua buộc phải nhận hàng. Do đó, khoản tiền từ giá dầu âm có thể gọi là khoản bù hoãn mua.
Tuy nhiên, đây là diễn biến trong tình huống đặc biệt và diễn ra trong một vài thời điểm, không phản ánh giá dầu thực chất.
Giá xăng dầu tại Việt Nam chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới và nhiều yếu tố khác. Ảnh: TL
Một số chuyên gia cũng cho rằng với Việt Nam, giá xăng dầu tại Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nguyên nhân, cơ cấu thuế và chi phí xăng Việt Nam chiếm đến 56%. Chưa kể Nhà nước còn tăng quỹ bình ổn giá xăng lên.
Theo quy định, cơ cấu giá xăng phải cõng bốn sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% và thuế bảo vệ môi trường là 4.000 đồng/lít. Ngoài ra người tiêu dùng còn phải trả lợi nhuận cho các công ty xăng dầu... Tính chung, người tiều dùng phải gánh các chi phí này khỏng 10.000 đồng/lít.
Trong kỳ điều hành giá gần nhất (ngày 13-4), giá xăng A95 giảm 621 đồng/lít, xăng E5 giảm 613 đồng/lít. Hiện mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 là 11.343 đồng/lít và xăng A95 là 11.939 đồng/lít.