Ngày 20-8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện?”.
Chia sẻ ý kiến tại toạ đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng giá điện Việt Nam đang có 4 bất cập rất lớn.
Bất cập thứ nhất có tính chất bao trùm là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường.
“Chúng ta đều biết toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỷ giá… đã theo thị trường. Thế nhưng giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí đó. Có lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện. Cho nên sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn” - ông Thoả nói.
Đồng thời, ông Thỏa dẫn chứng số liệu mới nhất hai năm 2022 – 2023 gần đây, với cách điều hành như vậy đã gây lỗ của ngành điện khoảng 47.500 tỉ đồng. Đây là khó khăn lớn cho việc cải thiện dòng tiền của ngành điện để đầu tư, phát triển nguồn và lưới.
Bất cập thứ hai của giá điện là phải gánh nhiệm vụ đa mục tiêu, có những mục tiêu ngược chiều nhau, như mục tiêu muốn tính đúng, tính đủ chi phí, nhưng phải khuyến khích đầu tư, hay phải đảm bảo an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát…
Bất cập thứ ba về cơ chế bù chéo giá điện hiện nay để kéo quá dài và lộ trình xử lý không rõ ràng. Ví dụ, việc bù chéo trong các bậc thang của nhóm tiêu dùng điện sinh hoạt; bù chéo giữa giá sinh hoạt với sản xuất, bù chéo giữa các vùng.
Bất cập thứ tư là giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng nói: “Giá điện của chúng ta đa mục tiêu quá, còn ở trên thế giới tách bạch tương đối rõ, mặc dù tôi xin khẳng định giá điện ở nước nào cũng có sự điều tiết của Chính phủ”.
Dự báo về giá điện, ông Hồi cho hay trong tình hình hiện nay, cơ cấu nguồn điện dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể bỏ qua nguồn năng lượng cơ sở bao gồm điện than, điện khí.
Và trong xu hướng giá nhiên liệu đầu vào tăng như hiện nay, ông Hồi cho rằng giá thành cung cấp điện chắc chắn sẽ tăng. Chưa kể chúng ta kỳ vọng Net Zero vào năm 2050, những nước khác cũng mong muốn điện sạch thì không thể có điện sạch giá rẻ. Điện mặt trời phát được 4 tiếng một ngày là tối đa, điện gió thì phập phù nên không thể nào nói những nguồn điện ấy sẽ có giá rẻ.
“Tóm lại, một là do biến động của tình hình địa chính trị thế giới, hai là xu hướng dịch chuyển năng lượng nên chắc chắn giá thành cung ứng điện nói chung sẽ cao lên” - ông Hồi nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động cho biết theo chương trình Net Zero, nhiệt điện than sẽ tiết giảm đến năm 2030, đâu đó sẽ dừng ở năm 2050. Như thế, việc phát triển thêm nguồn mới chỉ có thể dựa vào các nguồn như điện khí, điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, giá cho điện năng lượng tái tạo rất lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá bình quân của thị trường, và quay ngược trở lại sẽ ảnh hưởng đến giá của EVN cũng như Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khuyến nghị cần phải có quan điểm về tính giá thành điện, tính đúng tính đủ. Đồng thời không nên đưa quá nhiều mục tiêu chính sách trong cơ chế giá điện.
Cùng đó, cơ chế tài chính cần minh bạch hơn, thúc đẩy thị trường và tăng tính cạnh tranh trong tất cả các khâu. Như vậy sẽ kiểm soát độc quyền và người tiêu dùng có cơ hội hưởng giá cả cạnh tranh hơn...