Gia đình - Đừng để thành trì bị khoan thủng

(PLO)- "Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc” - TS Trần Tuyết Ánh bày tỏ.

“Có sự đứt gãy trong việc giáo dục hệ giá trị trẻ em. Trẻ em bây giờ ở nhà trường nhiều hơn ở nhà với cha mẹ. Trong khi nhà trường chưa chuẩn bị những điều kiện, tiền đề để giáo dục giá trị thì vai trò của gia đình trong giáo dục giá trị đã bị lu mờ”.

Tại hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” diễn ra ngày 29-11, PGS-TS Lương Đình Hải (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đưa ra lý giải như trên cho tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều hành vi lệch chuẩn trong ứng xử gia đình.

Còn GS-TS Nguyễn Hữu Minh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới thì dùng khái niệm “phân ly gia đình giữa thời bình”. Theo ông, việc này dẫn đến nhiều hệ lụy kéo theo như việc chăm sóc, giáo dục con cái chểnh mảng, tỉ lệ bạo hành trẻ em cũng tăng.

Trong rất nhiều giá trị bao la và to tát, hệ giá trị gia đình vẫn là một hạt nhân quan trọng để cấu thành tổng thể của các giá trị. Ảnh: TT

Gia đình - vốn được coi là thành trì vững chắc nhưng ở đâu đó, thời gian qua đã trở thành những thành trì rệu rã, thậm chí bị khoan thủng, đổ vỡ. Sự xa cách trong giao tiếp, trách nhiệm nêu gương của cha mẹ... là những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại hội thảo. Trong rất nhiều giá trị bao la và to tát, hệ giá trị gia đình vẫn là một hạt nhân quan trọng để cấu thành tổng thể của các giá trị.

Cuộc sống với nhiều áp lực, nỗi lo cơm áo gạo tiền đã vô hình trung đẩy con cái rời xa cha mẹ. Nhiều cha mẹ để được rảnh tay thường đưa cho con một chiếc điện thoại để khám phá thế giới. Bởi vậy có thực tế trẻ em học trên mạng nhiều hơn những gì được cha mẹ dạy bảo. Mà những điều học được trên mạng thường không phải bao giờ cũng đưa đến những điều tích cực.

Nói như TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Cho dù khoa học trên thế giới có phát triển hiện đại nhưng nhiều giá trị gia đình không thể thay thế đó là: Giáo dục, đạo đức, ứng xử văn hóa gia đình, tình cảm yêu thương, chăm sóc, chia sẻ đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình để vượt qua những trở ngại, thăng trầm của cuộc sống... “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc” - TS Trần Tuyết Ánh bày tỏ.

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, mảnh đất để gieo trồng những điều tử tế, tốt đẹp và để có được điều đó, mỗi thành viên đều phải nỗ lực vun xây cho tổ ấm của mình. Để gia đình thực sự là thành trì vững chắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới