Ngày 16-4, Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa".
Ông Nguyễn Xuân Dương, nguyên Cục trưởng Cục chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, thời gian qua ngành chăn nuôi heo, gà đều thua lỗ chỉ có chăn nuôi bò sữa là có lợi nhuận do sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Vì vậy, tiềm năng ngành chăn nuôi chế biến bò sữa Việt Nam còn rất lớn.
Tuy nhiên, có thể thấy trung tâm chăn nuôi bò sữa Việt Nam đã thay đổi. Trước đây, TP.HCM từng có thời điểm lên đến 100.000 con nhưng hiện nay thành phố muốn cũng không giữ được vì vấn đề đô thị hóa, ô nhiễm môi trường…
Vậy liệu Tây nguyên có thể trở thành trung tâm chăn nuôi bò sữa hay không? Theo ông Dương, Tây Nguyên có đầy đủ điều kiện thiên thời, địa lợi, có thể đầu tư phát triển chuồng trại chăn nuôi bò sữa.
Trong đó, Mang Yang có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, nếu nhiệt độ bình quân khoảng 20 độ C rất phù hợp với chăn nuôi bò sữa, chưa kể giao thông từ Gia Lai đến các trung tâm tiêu thụ cũng thuận lợi.
“Chúng ta có thể mang sữa từ Hà Lan về Việt Nam để bán thì không lý do gì không vận chuyển sữa tươi từ Gia Lai để bán cả nước lẫn xuất khẩu”- ông Dương nói.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết, lâu nay các doanh nghiệp thường chọn Đà Lạt, Mộc Châu… là môi trường lý tưởng cho bò sữa sinh sống để có dòng sữa tươi chất lượng cao tương đương với sữa ở những “cường quốc” như New Zealand, Úc, Ireland.
Tuy nhiên, hiện nay Mang Yang đang nổi lên, được xem như một ốc đảo xanh tươi, khí hậu quanh năm mát mẻ trong lành. Với nhiệt độ từ 21-25°C, độ ẩm 82% cùng những bãi cỏ xanh tốt là nguồn thức ăn tự nhiên và giàu dinh dưỡng.
Hơn nữa, Mang Yang có hệ thống sông suối tương đối dày, phân bổ rộng khắp địa bàn là những điều kiện lý tưởng để phát triển đàn bò sữa.
“Điển hình sữa tươi tại trang trại bò sữa NutiMilk tại Mang Yang đã đạt 3,5gr đạm trên 100ml sữa, sản lượng 35 lít/con bò vắt sữa/ngày, chất lượng và sản lượng tương đương với các nước chăn nuôi bò sữa lớn trên thế giới”- ông Trung nói.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, không chỉ Mang Yang mà 3/4 diện tích tỉnh Gia Lai đều có tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa.
Theo ông Anh, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế định hướng đến 2023 với những vấn đề trọng tâm. Đặc biệt, tỉnh sẽ rút ngắn thời gian từ ý tưởng đến lập quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư, thương mại hóa dự án bình quân từ 18 - 24 tháng tùy loại hình dự án so với trước đây từ 3,5 năm.
Ngoài ra, thời gian tới khi cao tốc Gia Lai nối Kon Tum và Gia Lai nối với Quy Nhơn được triển khai là điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp du lịch cũng như công nghiệp chế biến. Lúc đó những người đi đầu sẽ hưởng lợi.
"Vì vậy, ngay từ bây giờ DN cần có chiến lược đầu tư để có những dự trữ về đất đai, có thị phần lớn cũng như cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nội địa lẫn xuất khẩu”-ông Tuấn Anh nói.
Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, tổng đàn bò sữa ước gần 400.000 con, sản xuất sữa nguyên liệu tại Việt Nam đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Hiện nay nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam đạt 26 - 28 lít/người/năm.
Thái Lan là 35 lít/người/năm, Singapore là 45 lít/người/năm, các nước Châu Âu 80-100 lít/người/năm.