Gia Lai yêu cầu khẩn trương kiểm tra việc lao động bị lừa sang Campuchia

(PLO)- UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành, địa phương kiểm tra vấn đề lao động bị lừa sang Campuchia làm việc, bị đánh đập, đòi tiền chuộc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đã có văn bản gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Công an và UBND các huyện, thị, TP kiểm tra, báo cáo vấn đề báo chí phản ánh việc người lao động trên địa bàn bị lừa sang Campuchia làm việc, đánh đập, đòi tiền chuộc.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH tỉnh chủ trì, khẩn trương kiểm tra, báo cho UBND tỉnh trước ngày 4-7.

Công an tỉnh được giao triển khai nắm tình hình, tham mưu đề xuất việc triển khai ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng lừa đảo lao động sang nước ngoài làm việc; vấn đề mua bán người trên địa bàn tỉnh, kịp thời xử lý khi có dấu hiệu vi phạm.

Vợ chồng chị L (ở huyện Mang Yang, Gia Lai) có con đi lao động ở Campuchia, bị ép đòi tiền chuộc 150 triệu đồng mới cho về nước.

Vợ chồng chị L (ở huyện Mang Yang, Gia Lai) có con đi lao động ở Campuchia, bị ép đòi tiền chuộc 150 triệu đồng mới cho về nước.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương chủ động nắm bắt tình hình lao động trên địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn, phòng ngừa các vụ việc lừa đảo lao động, tình trạng mua bán người qua biên giới trái phép...

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Lừa sang Campuchia làm việc lương cao rồi đòi tiền chuộc” phản ánh nhiều lao động, nhất là thanh thiếu niên ở Gia Lai vì cả tin, nghe lời dụ dỗ sang nước ngoài làm việc lương cao, tháng 18-20 triệu đồng.

Sau đó, các nạn nhân bị bắt ép, dụ dỗ thêm nạn nhân mới. Nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị đánh đập, đòi tiền chuộc 100-150 triệu đồng. Một số nạn nhân vẫn còn bị giữ tại Campuchia.

Theo Thượng tá Đinh Văn Sơn, Phó phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai, chiêu trò đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhẹ với mức lương cao thực tế là lừa đảo.

Các đối tượng thông qua hợp đồng giao chỉ tiêu công việc, ép các nạn nhân đi lừa đảo người khác. Khi không đạt chỉ tiêu thì bị ép nộp phạt, thậm chí đánh đập, đe dọa.

“Người dân cần cảnh giác để không bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo sang Campuchia làm việc. Công dân có nhu cầu đi lao động cần tìm hiểu kỹ, liên hệ với cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh” – Thượng tá Sơn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm