Già làng chống sai trái

“Tuổi già, sống vui với lũ làng, với bầy cháu nhỏ. Nhưng rồi những sai trái của lãnh đạo địa phương mà mình góp ý nó lại không chịu sửa nên mình quyết định phải đấu tranh cho ra lẽ để tạo niềm tin trong quần chúng và thu hồi tiền của cho Nhà nước” - già làng Nhâm bộc bạch…

Không lùi bước trước sai trái

Đưa tay chỉ ngọn núi cao Đá Sơn - xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa, già làng Đinh Văn Nhâm kể: “Hồi chiến tranh mình vào bộ đội. Cấp trên chọn cho mình đi huấn luyện quân sự rồi phân công về Đội 4 An ninh vũ trang tỉnh Quảng Ngãi, trực tiếp làm bảo vệ cho các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ngãi”.

Hồi đó, bộ đội Nhâm, hông đeo súng ngắn, tay khoác súng dài, vai mang ba lô đưa các đồng chí lãnh đạo từ căn cứ ở Nghĩa Sơn qua Nghĩa Lâm rồi đi xuống các huyện đồng bằng. Bom đạn Mỹ thả rồi biệt kích truy lùng nhưng ông luôn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo. Có hôm trên đường về đến dốc Lành Ngạnh trời nhá nhem tối, thấy con hổ lớn đập đuôi chuẩn bị vồ lấy. “Nếu mình nã một tràng liên thanh thì con cọp chắc chết. Nhưng nghe tiếng súng địch sẽ phát hiện rồi lần ra căn cứ của Tỉnh ủy. Vậy nên mình chỉ còn cách chĩa súng vào nó và quắc mắt lên. Chúa sơn lâm nhìn thấy, từ thế chuẩn bị vồ chuyển sang bất động rồi cụp đuôi đi ngược về phía núi” - ông Nhâm hào hứng kể.

Già làng chống sai trái ảnh 1

Đơn tố cáo tiêu cực của già làng Đinh Văn Nhâm. Ảnh: VÕ QUÝ

 Rồi có lần đưa các đồng chí lãnh đạo về Nghĩa Lâm, bất ngờ ông bị lính ngụy vây bắt. Một mình ông đánh trả rồi chạy thoát thân. “Nhưng đó là kẻ địch, là con thú. Nó vồ mình, bắn mình thì mình bắn lại. Chứ còn anh em lãnh đạo địa phương cũng là con cháu của bản, cũng là đồng chí. Mình đâu thể ứng xử kiểu ấy được” - ông Nhâm giãi bày.

 Nói rồi ông mở tủ đưa ra tập “hồ sơ” trong đó có bức thư với dòng chữ to mà ông đã gửi lên huyện Sơn Hà để tố cáo việc làm sai trái của lãnh đạo địa phương. Ông kể, năm 2008, biết trong danh sách chi trả tiền chính sách của xã có tên bà Đinh Thị Lép nhận tiền thương binh 4/4 trong khi bà này đã chết từ tháng 8-2005, ông đã nhiều lần lên nhỏ nhẹ trình báo lãnh đạo xã xem xét tránh để bà con xầm xì. Song người có trách nhiệm cứ bỏ ngoài tai. Đến năm 2013, xã niêm yết danh sách thương binh nhận tiền chính sách ở trụ sở cơ quan trong đó hai người cùng tên là Đinh Thị Lép. Một người đã chết không còn nhận tiền hỗ trợ, còn người kia cũng tên Đinh Thị Lép (bà con quen gọi là bà Lép 2) lại là bà Đinh Thị Liên, em ruột bà Lép. Ông Nhâm bèn tìm gặp lãnh đạo UBND xã Sơn Nham. Họ bảo rằng bà Lép đã chết thì để cho bà Liên hưởng chế độ. Ông Nhâm nói: “Tiền này là tiền chính sách của Đảng, Nhà nước và cũng là của dân. Mình phải làm đúng chế độ chứ không thể tùy tiện đem cho người thân được”. Thế rồi những lời góp ý của ông cũng bị để ngoài tai. Ông suy nghĩ: “Thời chiến bom đạn Mỹ không sợ. Gặp cọp, không sợ. Lẽ nào mình lùi bước trước sự sai trái!”.

Xã làm ngơ, đành lên huyện

 Câu chuyện bà Liên chẳng có công trạng gì mà hưởng chính sách cuối cùng cũng đến huyện. Tháng 5-2013, xã triệu tập cuộc họp giữa các ban ngành cùng nhân dân thôn Xà Riêng để lấy ý kiến về việc nhận tiền chính sách của bà Liên nhưng người góp ý là ông Nhâm thì không được mời và kết luận của cuộc họp, cho bà Liên hưởng chính sách là đúng.

 Con rể của ông Nhâm - anh Đinh Quang Nhết kể: “Nghe chuyện, cụ chán nản bỏ cơm qua nhà hàng xóm. Có người biết chuyện khuyên cụ tuổi gần đất xa trời không làm điều xấu thì việc gì phải vướng bận. Ai làm sai thì có lỗi với Đảng, Nhà nước và nhân dân chứ cụ tuổi cao quan tâm làm gì”. Ông lặng im trở về nhà rồi thao thức: Chuyện đúng sai rành rành ra đó mà lại đổi trắng thay đen. Mình biết sự việc nhưng không đấu tranh thì cũng là người sai. Ông bảo đứa cháu đưa giấy bút để viết đơn tố cáo.

Cả cuộc đời quen với con suối dòng sông, cái nương cái rẫy, đi bộ đội quen với súng ống với ba lô nặng trĩu trên vai chứ có viết văn bản giấy tờ gì đâu. Giờ ở tuổi 80 gần đất xa trời mà viết đơn tố cáo ông thấy không quen và buồn. “Nhưng rồi khi nghĩ đến chuyện mình không ngăn chặn cái sai thì lãnh đạo địa phương cứ quen đường mà dấn tới thì dân còn biết tin ai” - ông Nhâm thổ lộ.

Ông thức suốt đêm viết đơn rồi sớm ra mặc lại bộ quân phục cũ bảo chàng rể đưa ông vượt hơn 35 cây số lên thanh tra huyện Sơn Hà để gửi đơn tố cáo. Ông Đặng Ngọc Dũng, Bí thư Huyện ủy Sơn Hà, lúc đó làm chủ tịch UBND huyện nghe báo cáo đã tin rằng người như cụ Nhâm đi qua chiến tranh, sau chiến tranh từng làm trưởng công an rồi bí thư đảng ủy xã hiểu rõ địa bàn của mình nên khó có thể tố cáo sai được. Ông Dũng đã chỉ đạo cho thanh tra huyện Sơn Hà lập đoàn công tác về xác minh rõ vụ việc.

 Rồi trắng đen sáng tỏ. Hai cán bộ lãnh đạo xã bị kỷ luật, bà Đinh Thị Liên bị xóa tên khỏi danh sách người được hưởng chế độ chính sách. Hai vị lãnh đạo xã lợi dụng chức quyền đưa người thân của mình lãnh tiền chính sách phải trả lại cho Nhà nước 57.500.000 đồng.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nham Đinh Văn Bù nói: “Qua vụ việc này chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm là phải gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Nhờ có cụ Nhâm kiên quyết đấu tranh vụ việc mới sáng tỏ, không để kéo dài gây mất lòng tin trong dân. Cũng qua vụ việc này, cụ Nhâm được UBND huyện Sơn Hà tặng giấy khen vì có thành tích chống tham nhũng”. Nhận được giấy khen, sau niềm vui cụ lại tâm tư: “Lãnh đạo cũng là con em đồng bào mình. Làm lãnh đạo phải biết lắng nghe dân mà xóa bỏ tư lợi, tham nhũng thì dân mới tin yêu được”.

Cũng từ việc tố cáo của cụ Nhâm về thực hiện chế độ chính sách thương binh và một số cán bộ của xã Sơn Kỳ trong việc thực hiện chế độ bệnh binh cho quân nhân là người dân tộc thiểu số có dấu hiệu bất thường, năm 2013, huyện Sơn Hà đã tổ chức thanh tra, phát hiện 400 hồ sơ chính sách không đúng đối tượng, gây thiệt hại cho Nhà nước 4,7 tỉ đồng.

Từ kết quả thanh tra, Huyện ủy Sơn Hà đã chỉ đạo xử lý kỷ luật 89 cán bộ, đảng viên. Trong đó khai trừ khỏi Đảng sáu trường hợp, cách chức năm trường hợp.

__________________________________

Việc cụ Nhâm tố cáo lãnh đạo xã có những việc làm chưa đúng trong công tác chính sách rất đáng biểu dương. Tinh thần của cụ đã được chúng tôi phát động đến cán bộ, đảng viên trong huyện. Cũng qua vụ việc này huyện chỉ đạo cho Đảng ủy các xã phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các đối tượng vi phạm kịp thời.

Bí thư Huyện ủy Sơn Hà ĐẶNG NGỌC DŨNG

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm