Giá lương thực thế giới bao giờ mới giảm?

(PLO)- Triển vọng giá các loại lương thực thiết yếu trong những tháng còn lại của năm 2023 thế nào, sau khi tăng 18% trên toàn cầu trong năm 2022 và hiện vẫn “ổn định ở mức cao”?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đài RTdẫn số liệu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nêu trong báo cáo Triển vọng thương mại toàn cầu công bố đầu tháng 4 cho thấy giá lương thực đã tăng 18% trên toàn cầu trong năm 2022, trong đó giá ngũ cốc tăng 21%.

Báo cáo của WTO lưu ý đến diễn biến biến động mạnh của giá lương thực trong năm 2022, tăng 19% từ tháng 1 đến tháng 5, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, sau đó giảm 15% từ tháng 5 đến tháng 12.

Giá lương thực “ổn định ở mức cao”

Giá quốc tế đối với các loại ngũ cốc thiết yếu, như lúa mì và ngô, đã điều hòa dần kể từ giữa năm 2022 nhưng hiện tại lại “ổn định ở mức cao”, theo chuyên gia Peter Ceretti của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ).

Giá gạo được tách riêng khỏi giá các loại ngũ cốc thiết yếu khác trong suốt cuộc xung đột Nga - Ukraine và giảm trong phần lớn năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn chung giá gạo quốc tế vẫn đang tăng khoảng 17% mỗi năm. Hầu hết các nước Đông, Nam và Đông Nam Á đều có các chương trình hỗ trợ để bảo vệ người dân khỏi những biến động lớn về giá gạo và phần lớn gạo được tiêu thụ trong khu vực được sản xuất trong nước. Nhưng một hạn chế đột ngột đối với xuất khẩu từ một nước xuất khẩu gạo lớn, như Ấn Độ, có khả năng làm tăng giá gạo quốc tế.

Trước khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine, giá lương thực đã chịu ảnh hưởng vì dịch COVID-19. Chiến sự dẫn đến việc các cảng của Ukraine bị phong tỏa, chi phí năng lượng và vận chuyển cao hơn, cộng thêm các biện pháp trừng phạt và tự trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, tất cả đều khiến giá lúa mì, ngô và các loại ngũ cốc khác tăng đột biến.

Ukraine và Nga là những nhà xuất khẩu lớn lúa mì, ngô, lúa mạch, hạt hướng dương và dầu. Trước xung đột, Ukraine vận chuyển hầu hết lương thực xuất khẩu của mình qua Biển Đen. Nga và Belarus cũng là những nhà xuất khẩu phân bón lớn, đặc biệt là khu vực MENA (Trung Đông - Bắc Phi, trải dài từ Morroco tới Iran) và châu Phi cận Sahara.

Các cảng Biển Đen bị phong tỏa, các nhà sản xuất Ukraine đã điều chỉnh, vận chuyển lương thực về phía tây nhiều hơn bằng đường bộ và đường sông. Tháng 7-2022, Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian để mở lại một số cảng của Ukraine để vận chuyển thực phẩm, giúp khôi phục các chuyến hàng từ Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi, cùng các điểm đến khác.

Điều này đã giúp giải tỏa những lo ngại về nguy cơ thiếu hụt. Cùng với chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sự điều tiết giá dầu và khí đốt, giá lương thực đã dần giảm xuống.

Tuy vậy, “xuống” là một thuật ngữ tương đối. Lấy Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) làm chuẩn, giá lương thực hiện thấp hơn khoảng 8% so một năm trước nhưng cao hơn khoảng 11% so với đầu năm 2021 và cao hơn khoảng 30% so với đầu năm 2020.

Mặc dù giá lương thực quốc tế đang giảm hằng năm, khoảng 90% các quốc gia đang chứng kiến ​​lạm phát giá tiêu dùng đối với mặt hàng này từ 5% trở lên. Vào tháng 1, tỉ lệ lạm phát lương thực trung bình khoảng 14%. Như vậy, về cơ bản lương thực vẫn đang rất đắt đỏ.

Thu hoạch lúa mì gần vùng Stavropol (Nga). Ảnh: BLOOMBERG

Thu hoạch lúa mì gần vùng Stavropol (Nga). Ảnh: BLOOMBERG

Khả năng giá khó giảm trong năm nay

Dự báo về an ninh lương thực toàn cầu năm 2023, chuyên gia Ceretti cho rằng khả năng lớn cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ chưa kết thúc trong năm nay.

Vậy triển vọng giá các loại lương thực thiết yếu trong những tháng còn lại của năm 2023 thế nào? Theo chuyên gia Ceretti, ngoại trừ việc có diễn biến lớn hay bất ngờ, giá có thể sẽ tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái cho đến giữa năm 2023. Song ông cũng lưu ý điều này có thể thay đổi liên quan nhiều yếu tố.

Trước hết là yếu tố cung cầu. Theo WTO, nhìn chung mặc dù hiện tại “nguồn cung lương thực toàn cầu ít bấp bênh hơn nhiều người lo lắng” liên quan khủng hoảng Ukraine nhưng đây vẫn là một nỗi lo. Theo tính toán của WTO, khối lượng giao dịch lúa mì thế giới đã giảm khoảng 7,5% kể từ năm 2021 và “nếu một nhà sản xuất lớn bị mất mùa hoặc xảy ra thiên tai liên quan khí hậu” thì chuyện khó lường được.

Trong khi đó Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng gạo và ngô toàn cầu sẽ giảm trong năm nay và mức tiêu thụ sẽ vượt sản lượng lúa mì, gạo và ngô. Thông tin trấn an là dù sản lượng năm nay giảm nhưng lượng cung vẫn sẽ được tổng hợp đủ nhu cầu. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là dự trữ toàn cầu sẽ giảm so với mức của năm ngoái. Thực tế này khiến giá khó giảm.

Một yếu tố khác là chi phí sản xuất. Giá dầu và khí đốt vẫn còn tương đối cao và theo dự đoán thì có khả năng sẽ tăng thêm vào nửa cuối năm 2023, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng tốc, châu Âu phục hồi và các điều kiện từ phía cung vẫn thắt chặt, đặc biệt là do năng lượng của châu Âu tách khỏi Nga.

Thực tế này sẽ làm tăng giá nhiên liệu sử dụng cho thiết bị nông nghiệp cũng như vận chuyển và làm lạnh. Khí đốt cũng được sử dụng làm nguyên liệu cho phân bón nitơ. Báo cáo của WTO ghi nhận giá phân bón trong năm 2022 tăng mạnh tới 63% so với năm 2021. Mặc dù giá khí đốt đã giảm trong những tháng gần đây nhưng sản lượng lương thực năm nay có thể bị ảnh hưởng do lượng khí đốt sử dụng trong năm nay dưới mức so với năm 2022. WTO cảnh báo rằng giá phân bón đắt đỏ có thể dẫn đến giảm năng suất cây trồng và cuối cùng là giá lương thực tiếp tục tăng.

Thời tiết là yếu tố thứ ba. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang trở nên thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Nhiều nơi trên thế giới đã trải qua một đợt La Niña kéo dài đặc biệt trong năm 2022 và khả năng cao hiện tượng El Niño sẽ xuất hiện vào cuối năm 2023.•

Cần bỏ hạn chế xuất khẩu với lương thực và phân bón

Đầu tháng 4, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala kêu gọi các nền kinh tế phát triển cảnh giác với các dấu hiệu khủng hoảng lương thực sẽ gây ra nạn đói ở các quốc gia nghèo hơn. Bà Okonjo-Iweala nhắc lại những lời kêu gọi trước đó về việc dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu với lương thực và phân bón, lưu ý rằng tính đến tháng 4-2023, vẫn có 67 quốc gia áp dụng các hạn chế này.

Bà Okonjo-Iweala cũng cảnh báo rằng thương mại toàn cầu có thể “vẫn chịu áp lực từ các yếu tố bên ngoài trong năm 2023”, như cuộc khủng hoảng ở Ukraine và những căng thẳng địa chính trị khác, lạm phát và tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ.

Theo bà, với thực tế này thì “các chính phủ càng cần phải tránh sự phân mảnh thương mại và kiềm chế gây ra những trở ngại cho thương mại”, thay vào đó cần “đầu tư vào hợp tác đa phương về thương mại” để giúp “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của người dân trong dài hạn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm