Giá máu cho chống lâm tặc

Giá máu cho chống lâm tặc ảnh 1

Nhà hoạt động môi trường Chut Wutty thiệt mạng khi đang truy tìm các bằng chứng về nạn phá rừng ở Koh Kong, Campuchia - Ảnh: AFP

Chut Wutty, 45 tuổi, là nhà sáng lập Nhóm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên chuyên bảo vệ các khu rừng còn sót lại của Campuchia và khuyến khích người dân tích cực tham gia việc bảo vệ thiên nhiên. Ông bị sát hại ngày 26-4 trong lúc đang cùng hai nhà báo điều tra các “tội ác chống lại rừng” tại tỉnh Koh Kong, nơi ông cáo buộc công ty chịu trách nhiệm dọn dẹp rừng đã câu kết với quân đội và các quan chức nhà nước để khai thác gỗ trái phép.

Theo kết luận của tòa án Campuchia ngày 5-5, Wutty đã bị một binh sĩ bắn chết khi xô xát với nhóm người cố ngăn ông chụp ảnh việc phá rừng. Nhưng binh sĩ này sau đó lại bị bảo vệ của một công ty khai thác gỗ khác bắn chết. Dù vụ án khép lại, nhưng những dư chấn của nó chỉ mới bắt đầu.

“Bảo vệ rừng là bảo vệ nồi cơm”

"Trái tim Chut Wutty không còn, nhưng vẫn còn đập trong hàng ngàn trái tim những Chut Wutty khác"

Svay Phoeun (một nhà hoạt động môi trường của Campuchia)

Ông Wutty quyết định đi đến vùng rừng ở Koh Kong gần nơi Công ty Trung Quốc China Huadian Corporation đang xây dựng một con đập gây tranh cãi. Đây là một trong bốn con đập sẽ mọc lên ở Koh Kong, được Thủ tướng Hun Sen ví như “bầu điện” của Campuchia. Những khu rừng ở đây cũng nổi tiếng là nơi lâm tặc hoành hành nghiêm trọng nhất. “Bảo vệ rừng cũng là bảo vệ nồi cơm của chúng ta” - Seng Sokheng, bạn của ông Wutty, nói.

Ông Wutty lên đường cùng hai nữ phóng viên của tờ Cambodia Daily là Phorn Bopha và Olesia Plokhii. Theo khiếu nại của công ty Trung Quốc, trên đường đi họ đã chụp nhiều ảnh mà không xin phép. Cả ba dừng chân ở Mondol Seima, nơi họ thấy nhiều cây gỗ bị đốn, và quyết định tiến vào ghi hình. Tuy nhiên, ba người đã bị một nhóm binh lính và bảo vệ chặn lại, yêu cầu giao nộp máy ảnh. Không khí trở nên căng thẳng, và khi ông Wutty cùng các nhà báo cố thoát khỏi khu vực này, xô xát đã xảy ra. Sau nhiều tiếng súng, nhà hoạt động môi trường gục ngã với vết đạn ở chân và bụng. Tại hiện trường người ta cũng thấy thi thể của In Rattan, người lính đã bắn Wutty.

Tòa án Campuchia ngày 5-5 cáo buộc bảo vệ Ran Boroth của Công ty khai thác gỗ Timbergreen có mặt tại hiện trường về tội ngộ sát In Rattan khi tìm cách cướp vũ khí của binh sĩ này trong cuộc ẩu đả. Tuy nhiên, báo cáo này trái ngược hoàn toàn với báo cáo trước đó cho rằng In Rattan tự sát sau khi giết nhà hoạt động môi trường. Cả hai nhà báo nữ đi chung với ông Wutty cũng không chứng kiến điều gì đã xảy ra. Họ cho biết chỉ nghe đám binh lính bàn thảo ý định phi tang thi thể và chiếc xe của ông Wutty khi đang trốn trong bụi rậm.

Cuộc chiến nguy hiểm hơn

Vụ giết hại nhà hoạt động môi trường Chut Wutty là trường hợp nghiêm trọng nhất trong vài năm qua ở Campuchia. Ông Seng Sokheng khẳng định bạn mình là nạn nhân của những kẻ giàu có và quyền lực đang bòn rút thiên nhiên xung quanh con đập ở Koh Kong dưới sự tiếp tay của quân đội và các quan chức tham nhũng. “Những kẻ này lắm tiền và tham lam, chúng đã chi tiền mua đứt các quan chức và binh lính để bảo vệ cho mình” - một nhà hoạt động nhận định.

Cuối tháng 12-2011, ông Wutty đã giúp tờ Phnom Penh Post phanh phui vụ khai thác gỗ trái phép và tham nhũng tại rừng cấm Trung Cardamom có sự tham gia của quân đội, nhân viên lâm nghiệp và một nhóm bảo tồn. Ước tính những kẻ này đã trục lợi hàng chục triệu USD từ khu rừng.

“Hãy nhìn lại vụ việc và nhìn xem ai sẽ hưởng lợi sau cái chết của ông Wutty - một nhà hoạt động đặt vấn đề - Những kẻ quyền lực lúc nào cũng viện đến tòa án, nhưng lần này họ sử dụng vũ lực. Tình thế đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết”.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều phóng viên, nhà hoạt động môi trường và nhân viên lâm nghiệp đã bị bắt, bị đe dọa, thậm chí bị sát hại khi đấu tranh chống lại nạn phá rừng. “Trái tim Chut Wutty không còn, nhưng vẫn còn đập trong hàng ngàn trái tim những Chut Wutty khác. Chúng tôi không sợ kẻ đã giết hại Chut Wutty vì đã cố ngăn cản nạn phá rừng bất hợp pháp” - Svay Phoeun, một nhà hoạt động môi trường ở tỉnh Preah Vihear, nói.

Theo Trần Phương (TTO / Bangkok Post, Phnom Penh Post, AFP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm