Ông Lữ Bằng (Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng) cho hay, giai đoạn 2007-2010 Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức WTO, mở ra nhiều cơ hội đầu tư phát triển sản xuất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn TP gặp phải nhiều khó khăn.
Sau vài năm gia nhập WTO thì các yếu kém, hạn chế trong nội tại nền kinh tế cũng bắt đầu bộc lộ và có tác động tiêu cực đến các yếu tố đầu vào, hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Tình hình đó làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, an sinh xã hội thêm nhiều bức xúc, tình trạng tái nghèo có xu hướng tăng”, ông Bằng nói.
Ông Mai Xuân Hùng (Phó Chủ nhiệm ủy ban kinh tế Quốc hội) cùng đoàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng. LÊ PHI
Theo ông Bằng, trong bối cảnh khó khăn đó, TP đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng nên TP từng bước vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh phục hồi đà tăng trưởng. Bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, ước đạt 52,2 triệu đồng/người trong năm 2014.
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ năm 2007-2014 đạt gần 6 tỷ USD và nhập khẩu đạt 6,3 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa của Đà Nẵng vào một số thị trường mới vẫn còn nhỏ lẻ, không bền vững, còn thiếu tính ổn định qua các năm.
Theo đó, nguyên nhân của những tồn tại sau khi gia nhập WTO được bộc lộ đó là : khó khăn về kết cấu hạ tầng; thị trường nhỏ; sức mua thấp; những bất ổn kinh tế vĩ mô; các doanh nghiệp trong nước còn yếu kém về khả năng cạnh tranh, thậm chí thua trên cả thị trường nội địa. Ngoài ra, khả năng dự báo còn bất cập; đề ra kế hoạch trung dài hạn không phù hợp với thực tế; công tác điều hành thiếu đồng bộ; thiếu giải pháp đủ mạnh để phát triển kinh tế…
Ông Mai Xuân Hùng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho hay, người đi đầu trong hội nhập thời gian qua phải nói đến Đà Nẵng. Qua làm việc với các bộ ngành Chính phủ, từ 2007-2014 kể từ khi gia nhập WTO thì kinh tế Việt Nam thể hiện rõ sự trồi trụt trong tốc độ tăng trưởng. Các vấn đề của kinh tế thế giới được biểu hiện rõ và tác động sâu sắc tới kinh tế trong nước. Ví dụ, năm 2008-2011 tăng trưởng có giảm 5,4-5,6% nhưng rồi lại hồi phục tăng 6,24-6,42% trong những năm tiếp theo.