Ngay sau khi cơ quan chức năng công bố sẽ áp trần giá sữa, khi đó một dòng sữa hộp sẽ giảm từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bằng cách này hay cách khác doanh nghiệp (DN) vẫn có cách tăng giá và cơ quan quản lý cứ chạy theo bịt lỗ hổng trong khi người tiêu dùng (NTD) mãi bị thiệt thòi.
Bức xúc vì bị “ăn gian” trọng lượng
Chị Nguyễn Thị Thủy (quận 1) kể trước đây mua sữa Pediasure loại 900 g giá 580.000 đồng thì nay thật bất ngờ khi thấy trọng lượng trên hộp đã giảm chỉ còn 850 g nhưng giá thì không giảm.
Khảo sát tại một số cửa hàng ở quận Gò Vấp, quận Tân Bình các chủ cửa hàng đều “đe” người mua rằng bây giờ một số sản phẩm như Ensure hay Pediasure đều giảm trọng lượng nhưng giá vẫn như cũ. “cửa hàng chưa nhập hàng mới về nên vẫn bán giá cũ và trọng lượng đầy đủ chứ mai mốt mua loại 1,7 kg giảm xuống còn 1,6 kg phải chịu giá cao là 980.000 đồng” - một điểm kinh doanh cho biết.
Không chỉ giảm trọng lượng, các hãng sữa còn tìm cách nâng giá sản phẩm bằng các sản phẩm mới. MeadJohnson thay đổi mẫu mã mới cho hàng loạt sản phẩm, theo đó giá đều cao hơn sản phẩm cũ khoảng 5%-7%. Ví dụ như Enfa A+ cho trẻ từ một đến ba tuổi loại 1,8 kg từ 805.000 đồng/hộp thì mẫu mã mới 850.000 đồng.
Người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn trong việc mua các sản phẩm sữa. Ảnh: TÚ UYÊN
Phải chăng là lách giá?
Phần lớn các DN đều lý luận việc giá sản phẩm mới luôn cao hơn sản phẩm cũ là do công ty phải đầu tư chi phí bao bì nghiên cứu công thức… và đăng ký giá với cơ quan quản lý.
Ông Lý Trường Chiến, chuyên gia tư vấn quản trị chiến lược, cho biết việc cho ra một sản phẩm mới do nghiên cứu mới, mang giá trị cộng thêm mới thực sự tốt thì nguyên tắc thị trường cho phép DN đặt giá mới. Nhưng trong một thời gian ngắn thì khó có sản phẩm như vậy tung ngay ra thị trường. Nếu sản phẩm chỉ thay mới bao bì, kích thước, trọng lượng... thì có thể là cách mà DN “múa” với NTD và “lách” với cơ quan chức năng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định việc DN tung ra sản phẩm mới với mức giá mới là hoàn toàn bình thường và Nhà nước không can thiệp bằng biện pháp hành chính được. Bởi thị trường sữa không phải là độc quyền khi đã có sự cạnh tranh tương đối giữa các DN.
Cơ quan quản lý đi bịt lỗ hổng
Chuyên gia marketing Đoàn Đình Hoàng cho rằng với việc áp giá trần cho thấy Nhà nước thích dùng công cụ hành chính để quản lý. Hậu quả gây ra là sự méo mó thị trường (market distortion). “Hiện nay Nhà nước không tạo môi trường đủ tốt cho sự cạnh tranh công bằng. Nên vừa khống chế áp giá trần thì DN có cách qua mặt như ra sản phẩm mới… Vai trò của Nhà nước là tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, đằng này cơ quan chức năng lo chạy theo đuôi DN. Đi bịt lỗ hổng chỗ này thì lòi ra lỗ hổng khác” - ông Hoàng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn bảo vệ NTD Việt Nam, cho biết lợi nhuận mà DN thu được còn hơn tiền xử phạt. Do vậy đã đến lúc phải “lấy độc trị độc”, NTD cần sử dụng quyền lựa chọn mà pháp luật cho phép để từ chối mua những sản phẩm ngang nhiên tăng giá, bất chấp các quy định của pháp luật.
Ông Hoàng cho rằng giải pháp rất nhẹ nhàng mà cơ quan quản lý có thể làm được là chia nhỏ các công ty thống lĩnh thị trường để hình thành sự cạnh tranh. Cơ quan quản lý cần yêu cầu các DN sữa công bố các tiêu chí kiểm định chất lượng rộng rãi để người dân biết cách lựa chọn. Tạo sân chơi không ai kiểm soát được thị trường gồm Nhà nước, DN, NTD, đơn vị thương mại tham gia vào để không ai “dằn xé” được ai.
Riêng theo ông Chiến, do thị trường của Việt Nam chưa chuẩn, có thể có chuyện “đi ngang về tắt và lợi ích nhóm” nên giá cả và ngay việc kiểm soát, áp giá trần cho sữa có tác động tích cực thì cũng chỉ trong thời gian ngắn. Dù ngắn hạn, khi đã làm cần làm nghiêm túc và triệt để mới có tác dụng.
TÚ UYÊN
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4, chiều 5-5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sau khi áp trần giá sữa, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm soát DN sữa có đưa giá sữa được Bộ Tài chính cho phép cho người dân biết hay không và bán đúng giá hay không. Bên cạnh đó, Bộ sẽ kiểm tra xem các DN có dấu hiệu bắt tay làm giá, cạnh tranh không lành mạnh không. TRÀ PHƯƠNG |