Phiên giao dịch thứ năm, ngày 6-6, theo giờ New York, giá vàng thế giới leo lên mức cao nhất trong 2 tuần. Đóng cửa phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.373,99USD/ounce, còn giá vàng thế giới giao hợp đồng tương lai tăng 0,7% lên 2.393USD/ounce.
Thông thường, chênh lệch giữa giá vàng giao ngay và giá vàng giao hợp đồng tương lai phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư, mà trong trường hợp cụ thể này là kỳ vọng giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hàng loạt ngân hàng trung ương lớn hạ lãi suất có lợi cho giá vàng
Lý do giá vàng thế giới tăng có thể liên quan đến số liệu công bố vào hôm thứ tư, cho thấy số lượng việc làm trong lĩnh vực tư nhân tại Mỹ tháng 5 tăng thấp hơn kỳ vọng. Chưa kể, báo cáo mới nhất này còn điều chỉnh giảm số liệu đã công bố của tháng 4.
Chuyên gia phân tích về thị trường kim loại tại Kitco Metals, ông Jim Wyckoff, nhận xét các số liệu mới nhất này dẫn tới dự báo về khả năng báo cáo thị trường việc làm tổng quan của Mỹ dự kiến sắp công bố cũng sẽ không đạt kỳ vọng. "Nếu kịch bản đó xảy ra, giá vàng sẽ có điều kiện để tăng”, ông Jim Wyckoff nói.
Chỉ số này lại liên quan đến quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bởi như Giám đốc bộ phận đầu tư phái sinh tại quỹ High Ridge Futures, ông David Meger, phân tích: “Nếu báo cáo thị trường việc làm tốt hơn kỳ vọng, thị trường sẽ tin rằng Fed không vội hạ lãi suất. Còn ngược lại thì chắc chắn giá vàng sẽ hưởng lợi”.
Kết quả cuộc khảo sát của Reuters với các chuyên gia trong thời gian gần đây cho thấy Fed nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất trong tháng 9 tới và thậm chí cho đến tháng 12 còn hạ thêm một lần nữa.
Còn ở châu Âu, đúng như dự đoán, Ngân hàng Trung ương (ECB) đã hạ lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau khi đã tăng và duy trì ở mức cao trong 5 năm qua. Tuy nhiên, thông điệp mà ECB phát đi là sẽ cần thêm thời gian mới tính toán cho lần hạ lãi suất tiếp theo.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ và Canada được kỳ vọng cũng sớm hạ lãi suất.
Nhìn chung, môi trường lãi suất thấp thường kích thích giá vàng tăng. Và như thế, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, giá vàng được dự báo sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay, theo công ty tư vấn Metals Focus.
Giá vàng trong nước tiếp tục giảm theo điều hành của Ngân hàng Nhà nước
Về thị trường trong nước, đầu giờ sáng nay, 7-6, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 1 triệu đồng ở chiều bán so với sáng qua.
Vẫn là vàng 9999 nhưng với các thương hiệu khác, giá vàng miếng PNJ giao dịch ở mức 73,5 – 75,3 triệu đồng/lượng, nhích nhẹ 300 nghìn đồng ở chiều bán ra; giá vàng nhẫn Hưng Thịnh Vượng ở mức 74,25 – 75,50 triệu đồng/lượng, tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Diễn biến trên cho thấy chênh lệch giá mua - giá bán doãng rộng ra, chẳng hạn với vàng miếng SJC lên mức 2 triệu đồng, cao hơn hẳn mức 1,2 triệu đồng trước đó. Có nghĩa là các nhà vàng đang hạn chế mua vào.
So với giá vàng thế giới ở phiên giao dịch gần nhất, quy đổi tương đương khoảng 73,57 triệu đồng/lượng, thì diễn biến thị trường sáng nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn khoảng gần 3,5 triệu đồng/lượng, tiếp tục co hẹp so với hôm qua, là hiệu ứng sau 4 ngày Ngân hàng Nhà nước bán trực tiếp vàng miếng SJC cho cá nhân có nhu cầu theo phương thức mới.
Kết quả này là phù hợp với yêu cầu mà Chính phủ tiếp tục nhắc tới trong nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5, vừa phát hành hôm qua, 5-6. Dù vậy, Chính phủ cũng lưu ý Ngân hàng Nhà nước "không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô".