Giá vé máy bay đắt đỏ làm khó du lịch nội địa

(PLO)- Theo các chuyên gia, một trong những lí do khiến nhiều thành phố vốn nổi tiếng là thiên đường du lịch phải chịu cảnh sụt giảm lượng khách là vé máy bay đắt đỏ.

Du lịch Việt đang đứng trước bài toàn khó hậu dịch bệnh khi giá vé máy bay đắt đỏ khiến nhu cầu nghỉ dưỡng nội địa có dấu hiệu giảm sút. Hậu quả không chỉ là sự đuối sức của doanh nghiệp mà còn là nguy cơ mất khách của cả ngành du lịch nước nhà trong bối cảnh thế giới đang phục hồi mạnh mẽ.

Giá vé máy bay “làm khổ” du lịch

Có một nghịch lí đáng lo là, ngay giữa đợt cao điểm du lịch, gần nhất là đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, lượng du khách đổ về đảo Ngọc - Phú Quốc vẫn sụt giảm nghiêm trọng.

Theo thống kê, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2023, Phú Quốc chỉ đón 62.544 lượt khách, giảm đến 26,5% so với dịp lễ năm ngoái - mức giảm chưa từng có trong nhiều năm qua.

Thực tế tương tự cũng diễn ra tại một số thành phố du lịch nổi tiếng khác của Việt Nam. Như tại Cần Thơ, theo báo cáo từ Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, Cần Thơ chỉ đón khoảng 180.000 lượt khách, giảm 4% so với dịp lễ năm 2022. Tại Đà Lạt, cũng trong kì nghỉ lễ trên, lượng khách tới phố núi dù không ít nhưng thực tế chỉ lấp đầy khoảng 50% công suất phòng của toàn thành phố.

Một trong những lí do khiến nhiều thành phố vốn nổi tiếng là thiên đường du lịch phải chịu cảnh sụt giảm lượng khách theo giới chuyên gia là vé máy bay đắt đỏ.

Thực tế này đã từng diễn ra trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 khi vé máy bay nhiều chặng bay như Hà Nội - Phú Quốc lên tới cả chục triệu đồng/vé khứ hồi. Ngay cả chặng gần, từ TP.HCM tới Phú Quốc, du khách cũng phải móc ví khoảng 4 triệu đồng/vé.

Hậu quả là đảo Ngọc ngay cả trong dịp cao điểm, nghỉ dài ngày như 30-4 và 1-5 cũng chỉ đón 112.000 lượt khách, giảm 11,5 % so với cùng kì.

Phu-Quoc.jpg
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, lượng du khách đổ về đảo Ngọc - Phú Quốc sụt giảm nghiêm trọng.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho du lịch Phú Quốc tổ chức sau dịp 30-4, bà Lê Thị Hải Châu, Tổng Thư ký Hội Đầu tư, phát triển du lịch Phú Quốc chỉ rõ, giá vé máy bay đến Phú Quốc tương đối cao so với các địa phương khác đã ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Sự thiếu ổn định của giá vé máy bay dẫn đến việc các doanh nghiệp khó làm tour, tuyến, chi phí du lịch cao, dao động từ 8 - 10 triệu đồng/chuyến.

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia Bùi Quốc Việt, nguyên thành viên Hội đồng tư vấn độc lập của Hiệp hội lữ hành Châu Á – Thái Bình Dương, nhận định: “Vé máy bay đắt đỏ nên du khách không mặn mà, nhiều người thà ở nhà hoặc chuyển hướng địa điểm gần nhà, chi tiêu tiết kiệm còn hơn chi vài chục triệu đồng cho riêng khoản đi lại”.

Mới đây nhất, điệp khúc bão giá lại xuất hiện khi các hãng hàng không đồng loạt mở bán vé Tết. Dù đặt sớm nhiều tháng nhưng hàng loạt chặng bay tới các thành phố du lịch đều ở mức cao ngất ngưởng.

Đơn cử, chặng bay từ Hà Nội đi Phú Quốc vào dịp Tết, giá vé rẻ nhất cũng lên tới 5 triệu đồng/vé (Vietjet Air) hay 6,7 triệu đồng (Vietnam Airlines). Chặng Hà Nội - Nha Trang, khoảng 4-6,8 triệu đồng (giá của Vietjet Air và Vietnam Airlines)…

“Thời gian tới, vé có thể còn tiếp tục tăng. Nguy cơ ế khách các thành phố du lịch dịp Tết là hoàn toàn có thể khi du khách dần có tâm lí sợ du lịch vì vé máy bay quá đắt đỏ”- ông Việt cảnh báo.

Nguy cơ thụt lùi của du lịch nội địa

Ở góc nhìn rộng hơn, ông Việt cho rằng, hậu quả của vé máy bay giá cao không dừng lại ở việc nhu cầu sụt giảm trong các đợt lễ, Tết.

Trước hết, chính các đơn vị lữ hành, dịch vụ du lịch đang phải chịu trận. Vé máy bay thường chiếm khoảng 30-40% trong giá tour. Việc tăng giá vé đồng nghĩa các doanh nghiệp phải đẩy giá tour lên để đảm bảo chi phí. Hậu quả theo ông là nhiều khách “hủy kèo”.

Một số doanh nghiệp chấp nhận giữ giá, bù chi phí để hút khách nhưng thực tế, không phải đơn vị nào cũng đủ tiềm lực để bù lỗ đặc biệt là sau thời gian dài cầm cự vì dịch bệnh như 2 năm trước đó. Và có bù giá cũng chỉ là biện pháp tạm thời.

Nhắc lại tâm lí “sợ” du lịch, theo ông Việt, xu hướng này nếu lan rộng sẽ ảnh hưởng nặng nề tới nguồn thu các địa phương cũng như rộng hơn là nền kinh tế. Đặt trường hợp vì giá tàu bay quá cao, các gia đình chuyển sang du lịch bằng phương tiện đường bộ.

"Hành trình sẽ tốn thêm 1-2 ngày di chuyển, đồng nghĩa thời gian vui chơi, giải trí sẽ rút ngắn, mức chi tiêu vì thế cũng sẽ giảm đi, ảnh hưởng tới hàng loạt ngành nghề, dịch vụ liên quan"- ông Việt phân tích.

Xa hơn, theo ông Việt, khi sức hấp dẫn của những sản phẩm du lịch nội địa giảm sút, năng lực cạnh tranh về điểm đến cũng như hình ảnh du lịch Việt sẽ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh các nước đẩy mạnh phát triển du lịch, Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn để thu hút du khách.

“Đây không còn là câu chuyện cá biệt của dịp lễ, Tết mà là bài toán lâu dài của ngành du lịch. Giá vé máy bay tới các thành phố du lịch cao bất thường giống như một vết sẹo của du lịch nội địa. Nếu không giải quyết được, nguy cơ dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi của ngành du lịch là hoàn toàn có thể xảy ra”- ông Việt cảnh báo.

Lo lắng ấy cũng là điều ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa nêu lên trong lần trả lời báo chí mới đây. Theo ông Thành, nếu tiếp tục tình trạng hiện tại, ngành du lịch Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ ngậm ngùi nhìn khách sang nước bạn. Ông đề xuất, với vé máy bay, Chính phủ nên có phương án bình ổn như giảm thuế, phí, hạ nhịp tăng giá.

Về vĩ mô, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch kiến nghị, cần thêm sự hợp tác, hỗ trợ giữa cơ quan nhà nước và các hãng hàng không khi du lịch vào mùa cao điểm.

“Cần xây dựng một cơ quan, đơn vị có trách nhiệm như một nhạc trưởng định hướng các doanh nghiệp lữ hành, hàng không phát triển đồng đều, giảm tác động của các biến động thị trường”- ông Chính nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm