Xăng giảm sâu tới 2.050 đồng/lít đẩy giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 về mức 17.880 đồng/lít, diezen giảm còn 16.990 đồng/lít, dầu mazut còn 13.130 đồng/lít và dầu hỏa chỉ còn 17.400 đồng/lít.
Lần đầu tiên giá xăng dầu giảm mạnh trong sự không tưởng, chưa từng có trong nhiều năm qua khiến người dân và doanh nghiệp mừng rơn. Có vẻ như đó là món quà Giáng sinh cuối năm mà các nhà quản lý nhà nước về giá cả và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu muốn mang đến cho người dân.
Trước sự “hi sinh”, chịu đựng giá xăng dầu cao ngất ngưởng trong thời gian dài đã vắt kiệt sức người dân và doanh nghiệp (vốn lệ thuộc, chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu), món quà Giáng sinh-giảm giá xăng dầu cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tiêm một liều “đô-ping” kích thích nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân và nạp năng lượng cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Tuy nhiên, liều “đô-ping” này muốn có hiệu quả thì Liên Bộ Công Thương, Tài chính…cần phải có một động tác tiếp theo. Đó là tiếp tục có các biện pháp để các mặt hàng khác cũng phải giảm giá theo giá xăng dầu. Nếu không có các động tác tích cực tiếp theo thì món quà Giáng sinh mà Liên Bộ tung ra cho người dân vẫn chưa trọn vẹn.
Vì trong khi người dân đang đón nhận món quà Giáng sinh này trong niềm vui thì đã vấp ngay phải nỗi lo trước mắt, mà rõ nhất là việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang có dự thảo về phương án tăng giá điện gửi Bộ Công Thương với mức tăng 9,5% so với giá bình quân hiện nay mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh. Đây là mức đề xuất tăng cao nhất trong vòng ba năm qua. Giá điện bình quân mới dự kiến sẽ là 1.652,19 đồng/kWh, tăng thêm 146,34 đồng/kWh so với giá hiện tại.
Ông Trần Viết Ngãi (Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) cho rằng, đề xuất tăng giá “là điều hợp lý và giá điện tăng lên mức 1.652,19 đồng/kWh vẫn nằm trong khung giá bán lẻ điện giai đoạn 2013-2015 mà Chính phủ quy định mức tối đa là 1.835 đồng/kWh”. Một quan chức Bộ Công Thương cũng khẳng định từ nay đến cuối năm 2014 giá điện sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, qua năm 2015, giá điện có thể sẽ được điều chỉnh nhưng thời điểm cụ thể chưa được tiết lộ. Người dân hoàn toàn có thể tin tưởng là tin buồn chắc chắn sẽ đến.
Nếu dự thảo được chấp thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thu về khoảng 7.000 tỉ đồng. Cũng có nghĩa túi của người dân và doanh nghiệp bỗng nhiên mất 7.000 tỷ đồng. Chẳng cần phải vắt óc, bứt tai, lao tâm, khổ tứ kinh doanh gì… chỉ cần ngồi đề xuất một dự thảo đã bỏ bị một đống bạc. Theo Tập đoàn này thì số tiền trên được dùng để bù đắp một phần lỗ tỉ giá 8.000 tỉ đồng trong năm 2013, phí tài nguyên, chi phí lưới điện nông thôn và áp lực đầu tư thêm các dự án. Bên cạnh đó, năm nay giá than bán cho điện tăng 4%-10% khiến ngành điện đội chi phí thêm khoảng 1.500-1.800 tỉ đồng.
Hy vọng rằng, Liên Bộ Công Thương và Tài chính sẽ có những tính toán thấu đáo không để người dân phải thốt lên rằng: tặng một món quà này là để lấy lại món quà khác từ túi tiền của dân. Hy vọng, món quà Giáng sinh cuối năm là liều “đô-ping” thúc đẩy nền kinh tế chứ không phải là liều “thuốc gây mê” để người dân quên đi tin tức về việc giá điện dự kiến sẽ tăng vào đầu năm tới -2015.
Và không biết với diễn biến giảm sâu kỷ lục của giá xăng ngày hôm nay, Tập đoàn Điện lực sẽ có thêm lý lẽ gì để biện giải cho việc rập rình tăng giá của mình?