Mở rộng ra, các lĩnh vực chính khác cũng sẽ bị tăng thuế tương tự. Phải đến một mức “khủng” thì mới lợi hơn về thuế. Theo Luật 71/2014, doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền hàng, không trừ chi phí, không giảm trừ gia cảnh, không tính người phụ thuộc nữa.
Phân phối: Trên 380 triệu đồng/tháng mới lợi
Theo cách tính năm 2014, trường hợp cá nhân (chỉ mỗi bản thân, không có người phụ thuộc) kinh doanh phân phối, cung cấp hàng hóa như tạp hóa, văn phòng phẩm, có doanh thu A đồng/tháng thì nhân doanh thu này với tỉ lệ ngành nghề 7%, trừ giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng. Phần còn lại bắt đầu tính thuế theo biểu thuế TNCN lũy tiến. Như vậy, cá nhân kinh doanh mà doanh thu dưới 128 triệu đồng/tháng chẳng còn “dư” đồng nào nên thuế năm 2014 là 0 đồng. Doanh thu từ 128 triệu đồng/tháng trở lên mới có thuế nộp.
Trong khi đó, năm 2015, doanh thu dưới 8,4 triệu đồng/tháng (tương đương 100 triệu đồng/năm) mới không nộp thuế. Mức doanh thu 8,4-380 triệu đồng thì chịu thuế (doanh thu nhân tỉ lệ 0,5%) cao hơn cách tính năm 2014, tiền thuế từ 500.000 đồng đến 23 triệu đồng/năm.
Từ mức doanh thu 380 triệu đồng/tháng trở lên thì cá nhân kinh doanh mới càng có lợi về thuế.
Cách tính thuế TNCN mới sẽ ảnh hưởng đến người nộp thuế có thu nhập thấp.Ảnh: HTD
Sản xuất, ăn uống: Trên 230 triệu đồng/tháng mới lợi
Hộ sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu, ví dụ sản xuất hàng hóa, gia công, chế biến, dịch vụ ăn uống, sửa xe... hiện có doanh thu đến 60 triệu đồng/tháng thì sau khi nhân tỉ lệ ngành 15% và trừ 9 triệu đồng giảm trừ gia cảnh thì thuế là 0 đồng. Trong khi đó, cũng mức 60 triệu đồng/tháng này, năm 2015 nộp thuế TNCN tỉ lệ 1,5% thì số thuế gần 11 triệu đồng/năm.
Mức doanh thu vượt 230 triệu đồng/tháng thì sẽ lợi hơn về thuế.
Cắt tóc, may quần áo: Trên 86 triệu đồng/tháng
Hộ kinh doanh dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu, ví dụ cụ thể như kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, cắt tóc, sửa chữa máy tính, sửa chữa đồ dùng gia đình, may quần áo, giặt ủi,... có doanh thu đến 30 triệu đồng/tháng, nhân tỉ lệ ngành nghề 30% và trừ 9 triệu đồng giảm trừ gia cảnh thì năm 2014 số thuế TNCN là 0 đồng. Trong khi đó, với mức này, năm 2015 nhân tỉ lệ 2% thì tiền thuế TNCN đến 7,2 triệu đồng/năm.
Vượt mức doanh thu 85 triệu đồng/tháng thì cách tính thuế năm 2015 mới có lợi hơn.
Chăm chăm thu thuế Luật vừa thông qua ngày 26-11, Bộ Tài chính ngày 1-12 có ngay Công văn 17526 gửi đến các cục thuế để triển khai. Trong đó giao cơ quan thuế “đánh giá doanh số” và đảm bảo đầu tiên là “tăng mức thuế so với mức thực tế thực hiện năm 2014 tối thiểu 16%”. Kế đến là “đảm bảo nhiệm vụ dự toán thu ngân sách 2015”, sau đó mới đến “doanh số phù hợp với thực tế quy mô kinh doanh, phạm vi kinh doanh”. Làm luật trong phòng lạnh! Người nộp thuế cũng có nhiều bức xúc khi Luật 71/2014/QH13 được đưa ra Quốc hội, trình thông qua nhưng trước đó không đưa ra cho người dân và người nộp thuế góp ý đầy đủ theo luật định. Theo cách tính của luật này, người nghèo thì càng nghèo thêm, mà người giàu thì được lợi. Khi trình ra Quốc hội thì nêu lý do sửa là để cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản thủ tục thuế cho hộ kinh doanh. Nhưng vấn đề quan trọng là đánh giá tác động kinh tế, ảnh hưởng tăng, giảm số thuế của người kinh doanh như thế nào thì lại không thấy nói rõ. Chính vì vậy khi thông qua luật rồi, dân mới được biết, mới tìm hiểu, tính toán ra thì ôi thôi ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người nộp thuế có thu nhập thấp. Bởi lẽ hiện tại người ta được trừ giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng cho mình, thêm nuôi 1-2 con ăn học là trừ thêm mấy triệu đồng/tháng nữa. Trong khi đó, tính kiểu mới thì thuế cao bất hợp lý, không cho giảm trừ gì cả. Luật sư TRẦN XOA, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang |