Giá xăng tăng lên gần 30.000 đồng/lít, cửa hàng vẫn thông báo 'hết xăng'

Kể từ 15 giờ ngày 11- 3, giá xăng A95 được điều chỉnh tăng 2.990 đồng/lít, lên mức 29.824 đồng/lít; xăng E5 tăng 2.985 đồng/lít, giá bán lẻ lên mức 28.985 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng lên giá mạnh.

Đây là mức giá đã được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo trước. Vì vậy, trước ngày điều chỉnh tăng giá, người dân tranh thủ đổ xăng, bên cạnh đó một số cửa hàng xảy ra hiện tượng treo bảng hết xăng.

Sau khi giá xăng tăng, chiều 12-3, theo khảo sát của phóng viên Pháp Luật TP.HCM tại một số quận Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp có một số cửa hàng xăng quận Tân Bình treo bảng hết xăng, hết dầu.

Cửa hàng xăng quận Tân Bình thông báo hết xăng, dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

Đáng chú ý là cửa hàng xăng trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp vào chiều 10-3 đã dán bảng thông báo hết xăng, còn dầu. Ngày 12-3 cửa hàng này vẫn thấy còn dán thông báo này.

Theo một doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu, giá xăng tăng nhưng DN vẫn lỗ do chiết khấu từ đầu mối giảm thấp hơn chi phí hoạt động kinh doanh.

Đơn cử như kỳ điều chỉnh ngày 11-3, mức chiết khấu chỉ 200-300 đồng/lít. Vì vậy, đối với các DN lớn chi phí nhiều sẽ lỗ 300-400 đồng/lít, DN nhỏ lỗ 200-300 đồng/lít. Tình trạng này đã kéo dài và sẽ còn tiếp tục do giá thế giới tăng.

Trước đó ngày 10-3 cửa hàng này đã thông báo và ngày 12-3 cửa hàng tiếp tục cho biết hết xăng. ẢNH: TÚ UYÊN

"Hiện vẫn còn tình trạng các cửa hàng thông báo hết xăng, hết dầu là do các đầu mối lỗ nên nhập ít lại. Một phần là do chiến sự Nga-Ukraine nên nguồn cung giảm và lưu thông khó khăn hơn. Bên cạnh đó, do nhu cầu đi lại sau dịch tăng và một số nơi người dân sợ giá tiếp tục tăng cao nên mua trữ khiến cho đầu ra tăng trong lúc đầu vào chưa cải thiện được", vị này chia sẻ.

Trước đó, Bộ Công Thương có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, DN tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá xăng dầu tại thị trường trong nước.

Để bảo đảm duy trì việc cung ứng, bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm và công khai nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các DN kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn…

Đặc biệt, trước tình hình khó khăn về nguồn cung và giá xăng dầu biến động mạnh như hiện nay, nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các DN kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định. Tuyên truyền, khuyến khích DN và người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm