Bài hát dựa theo nội dung lời kêu gọi của Bác Hồ vào năm 1948 động viên toàn dân, toàn quân thi đua trừ giặc đói lên hàng đầu, thứ hai là giặc dốt, sau cùng mới là trừ giặc ngoại xâm. Tại sao lúc đó toàn dân ta chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược mà Bác không đặt vị trí thi đua chống ngoại xâm lên hàng đầu? Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in trong lòng:
“Thi đua, thi đua làm sao,
Thi đua, thi đua cùng nhau.
Sĩ, nông, công, thương và binh.
Thi đua, thi đua trừ đói,
Thi đua, thi đua trừ dốt,
Thi đua, thi đua trừ quân ngoại xâm!”...
ANH PHÓ trả lời: Thưa ông Lê Thanh Phong,
Cũng cần nhắc lại: Một trong những hiện tượng lịch sử có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam trong giai đoạn từ đầu năm 1945 còn kéo dài hậu quả đến những năm sau là nạn đói khủng khiếp, giết chết mấy triệu đồng bào ta ở hai xứ Bắc kỳ và Trung kỳ lúc đó. Nhiều gia đình chết không còn một người. Nhiều làng dân chết đói quá một nửa. Nhiều người chết gục trên đường đi.
Lúc đó, khi chưa giành được chính quyền, Việt Minh đã nêu khẩu hiệu: “Phá kho thóc Nhật, giải quyết nạn đói!”. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (3-9-1945), Hồ Chí Minh đã nêu sáu vấn đề cấp bách hơn cả phải giải quyết. Đầu tiên là dân đang đói. Kế đến là nạn dốt… Sau đó trên báo Cứu Quốc ngày 8-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có bài hô hào nhân dân chống nạn đói. Người viết: “Nạn đói không kém nguy hiểm hơn nạn chiến tranh”. Người đề nghị đồng bào cả nước và tự Người thực hành trước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo”.
Bài hát mà ông còn nhớ thời thanh niên đó là diễn ca từ nội dung một bài báo do Bác Hồ viết ngày 11-6-1948, đăng trên báo Cứu Quốc ngày 24-6-1948, tựa đề là Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Mở đầu bài viết, Bác nêu rõ:
“Mục đích thi đua ái quốc là:
Diệt giặc đói,
Diệt giặc dốt,
Diệt giặc ngoại xâm”.
Kính chào ông.
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 5-2010, Mục "Chuyện xưa chuyện nay")