Giác hơi, cạo gió có trị được cảm lạnh?

(PLO)- Theo y học cổ truyền, giác hơi và cạo gió là phương pháp có thể điều trị được cảm lạnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bác sĩ ơi, khi bị cảm lạnh có nên giác hơi và cạo gió không? Vì sao? (Trần Thị Năm, 48 tuổi, Vĩnh Long).

Trả lời

Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra, thường gặp theo mùa và có khả năng lây nhiễm.

Bệnh có các triệu chứng ban đầu như đau đầu, hắt hơi, ớn lạnh, đau họng. Các triệu chứng tiếp theo là chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho và mệt mỏi.

Bệnh đỉnh điểm vào ngày 2 hoặc 3 sau nhiễm virus và thường kéo dài trung bình từ 7-10 ngày. Tuy nhiên cũng có thể kéo dài đến 3 tuần.

Giác hơi là phương pháp dùng ống giác, tạo áp lực âm so với áp suất không khí rồi úp lên vùng huyệt để chữa bệnh.

Các báo cáo nghiên cứu cho thấy một số cơ chế chủ yếu của giác hơi là thúc đẩy tuần hoàn dòng máu lưu thông dưới da, thay đổi cơ chế sinh học của da, tăng ngưỡng đau, cải thiện chuyển hóa kỵ khí cục bộ, giảm viêm và điều chỉnh miễn dịch hệ thống của cơ thể.

Theo y học cổ truyền, giác hơi làm giảm sự ứ đọng, tăng lưu lượng máu tới một khu vực nhất định, làm lưu thông khí huyết. Điều này tạo điều kiện thuận lợi trong điều trị các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh thông thường, viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh lý đau mỏi cơ.

Y học cổ truyền cho rằng “âm bình dương bí, tinh thần nãi trị”, nghĩa là âm dương trong cơ thể không điều hòa là nguồn gốc cơ bản phát sinh mọi chứng bệnh.

Cũng theo quan niệm của y học cổ truyền, nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh là do cơ thể suy yếu khiến phong hàn, phong nhiệt thừa cơ xâm nhập vào phế kinh và phế tạng gây bệnh.

Giác hơi thông qua đặt ống giác hút lên một số vị trí nhất định trên cơ thể có thể giúp điều chỉnh tạng phủ khí cơ, giúp cơ thể đạt được trạng thái quân bình âm dương. Khi cơ thể đang ở trạng thái hưng phấn, giác hơi có thể ức chế. Ngược lại, khi cơ thể đang ở trạng thái bị ức chế thì giác hơi có thể đem lại cảm giác hưng phấn.

Giác hơi làm mạnh chính khí (nghiên cứu cho thấy khi giác hơi tại bàng quang kinh – vùng lưng sẽ nâng cao khả năng miễn dịch rõ rệt), làm phấn chấn cơ năng suy nhược của phủ tạng. Chưa hết, qua tác dụng nhả, hít của giác hơi, có thể hút ra phong, hàn, thấp tà và huyết ứ, có tác dụng khử tà, trục ứ.

Cạo gió là phương pháp sử dụng bờ của những vật có cạnh hình cung tròn và tương đối nhẵn như thìa nhôm, rìa đồng tiền kim loại, miệng chén, rìa bát, đĩa sứ, lược, nhẫn bạc… để tác động lên các vị trí trên cơ thể dọc theo hệ thống kinh lạc, cân cơ của y học cổ truyền.

Cạo gió giúp sơ thông kinh lạc, thư cân lý khí, khu phong tán hàn, thanh nhiệt trừ thấp, hoạt huyết, hóa ứ, tiêu thũng, chỉ thống.

Khi cơ thể bị cảm mạo, tà khí còn nằm ở phần biểu, tà khí vít tắc làm vệ khí lưu thông không được tắc lại sinh ra các chứng đau mỏi, nóng sốt. Cạo gió làm sơ thông lạc mạch ở biểu, dinh vệ khí lưu thông, khí hành thì huyết hành dẫn đến hoạt huyết hóa ứ, đồng thời tuyên phát khí ở bì mao nên sơ tán được ngoại tà.

Hệ thống kinh lạc bao gồm các lạc mạnh nằm ở nông, kinh lạc chìm nằm ở sâu và hệ thống kinh cân. Phương pháp cạo gió tác động chủ yếu lên phần lạc mạch nổi và kinh cân mà biểu hiện trực quan thông qua phần da, các mô dưới da và cơ.

Khi cạo gió, tránh tác động trực tiếp trên tĩnh mạch, động mạch, dây thần kinh, vùng da bị viêm hoặc bất kỳ vùng có vết thương hở trên da, gãy xương, các vùng cơ thể có lỗ hở, mắt, hạch bạch huyết hoặc vùng giãn tĩnh mạch và vị trí có huyết khối tĩnh mạch sâu.

Người bệnh ung thư, những người bị suy nội tạng (suy gan, suy thận, suy tim), ở người bệnh đặt máy tạo nhịp tim, người mắc bệnh máu khó đông thì không nên cạo gió.

Bên cạnh đó, người nhiễm trùng cấp tính, người đang sử dụng thuốc kháng đông, bệnh lý mãn tính nghiêm trọng (suy tim), mang thai, thời kỳ sau sinh, thiếu máu, mới hiến máu gần đây nên hạn chế cạo gió.

BS BÙI THỊ YẾN NHI, khoa Châm cứu - Dưỡng sinh BV Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm