Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm cân nhanh

(PLO)- Việc lạm dụng thuốc giảm cân nhanh để điều trị béo phì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong 2 năm trở lại đây, tôi bị tăng cân mất kiểm soát, cơ thể giờ đây khá nặng nề, bản thân tôi cũng tự ti về ngoại hình thừa cân của mình. Tôi có nên sử dụng thuốc giảm cân nhanh không, thưa bác sĩ? (Phương Thảo, Hà Nội).

Trả lời

Hiện nay, trên thế giới có hơn 2,1 tỉ người bị thừa cân và béo phì, chiếm trên 30% dân số. Với mức độ gia tăng như hiện tại, vào năm 2030 sẽ có khoảng 50% dân số thế giới bị thừa cân và béo phì.

Tại Việt Nam, tình trạng thừa cân, béo phì cũng đang ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở người trưởng thành hiện nay là 6,6%.

Để nhận biết bản thân có mắc bệnh béo phì hay không, người dân có thể tự đánh giá dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI).

thuốc giảm cân nhanh 1.jpg
Cách xác định chỉ số khối cơ thể BMI.

Hoặc người dân cũng có thể dựa theo khuyến cáo của Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cũng như của Bộ Y tế, đó là dựa vào chỉ số vòng bụng. Đối với nam, vòng bụng trên 90cm và đối với nữ trên 80cm thì được coi là béo phì.

So với những người có cân nặng bình thường, người bị thừa cân, béo phì thường có nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, đột quỵ, ung thư.

Thậm chí, khi tình trạng béo phì vượt quá mức cho phép hoặc báo động nghiêm trọng thì có thể làm tăng nguy cơ bị tử vong.

Hiện người dân đã quan tâm nhiều đến sức khỏe và chủ động khám bệnh định kỳ. Tuy nhiên, với tình trạng béo phì, các bệnh nhân lại không chủ động đến khám. Chỉ đến khi cơ thể xuất hiện triệu chứng trầm trọng của các căn bệnh khác, họ mới để ý.

Lúc này, ngoài các căn bệnh thứ phát, người bệnh lại kèm theo tình trạng thừa cân, béo phì, dẫn đến việc chữa trị hết sức khó khăn.

thuốc giảm cân nhanh
Nhiều người phát hiện mình mắc bệnh béo phì trong quá trình thăm khám, điều trị các bệnh khác. (Ảnh minh hoạ)

Thừa cân béo phì gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Ngoài ra, bệnh này còn gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của bệnh nhân, khiến người bệnh luôn trong tình trạng căng thẳng, thiếu tự tin. Thậm chí có những trường hợp lo lắng thái quá dẫn đến trầm cảm, rối loạn về tâm thần.

Hiện rất nhiều người khi bị thừa cân, béo phì có xu hướng tìm đến những phương pháp giảm cân nhanh, trong đó có việc sử dụng thuốc.

Việc lạm dụng thuốc giảm cân nhanh để điều trị béo phì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe: gây tổn thương tim mạch, hệ tiêu hóa, thận và hệ thần kinh. Một số trường hợp sử dụng quá nhiều thuốc giảm cân nhanh còn có thể nghiện.

Bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc giảm cân nhanh khi đã thay đổi, áp dụng can thiệp lối sống trong vòng 3 tháng mà không giảm được quá 5% trọng lượng cơ thể và chỉ số khối cơ thể BMI vẫn trên 25, thì lúc này mới nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của chuyên gia y tế.

Ngoài ra, bệnh nhân có chỉ số BMI trên 30, hoặc người có chỉ số BMI trên 27 có nguy cơ bệnh lý kèm theo như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, thì mới cần dùng đến thuốc giảm cân nhanh.

Với mục tiêu giảm cân một cách an toàn, đưa chỉ số BMI về mức cho phép, người dân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ kết hợp lối sống lành mạnh.

Nguyên tắc chung để giảm tình trạng béo phì là can thiệp lối sống. Đây là nền tảng cơ bản để đảm bảo giảm cân an toàn, bền vững cho người bệnh.

Đó là chính là sự can thiệp về dinh dưỡng, tập luyện thể dục và thay đổi hành vi, cũng như hỗ trợ về tâm lý.

Chế độ ăn của bệnh nhân béo phì cần lưu ý một vài yếu tố sau:

- Cần đảm bảo giảm tổng năng lượng đưa vào cơ thể. Đấy là yếu tố chính, có vai trò quyết định trong mọi phương pháp giảm cân.

- Cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết: sắt, canxi, kali, axit amin và chú ý ăn đủ 3 bữa mỗi ngày.

- Hạn chế các loại gluxit hấp thu nhanh và các chất béo bão hòa, không nên ăn quá nhiều muối (dưới 5g/ngày).

- Không sử dụng rượu bia.

Bác sĩ NGÔ THỊ MINH DIỄM

Khoa Nội tiết - Đái tháo đường (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm