Giải đáp 7 câu hỏi thường gặp về hộ chiếu

(PLO)- Hộ chiếu (Passport) là giấy tờ quan trọng trong quá trình xuất nhập cảnh của người dân, nhưng không phải ai cũng biết chính xác hộ chiếu là gì và các vấn đề liên quan đến loại giấy tờ này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hộ chiếu (Passport) là giấy tờ quan trọng của mỗi người dân khi thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh. Trong bài viết này PLO sẽ tổng hợp những thông tin liên quan đến hộ chiếu mà người dân cần biết.

Hộ chiếu là gì?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (Luật XNC), hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

Thông tin trên hộ chiếu bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.

Có bao nhiêu loại hộ chiếu?

Theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Thông tư 73/2021 quy định hộ chiếu được chia làm ba loại:

- Hộ chiếu ngoại giao, trang bìa màu nâu đỏ (mẫu HCNG): Cấp cho lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước theo quy định tại Điều 8 Luật XNC (ví dụ: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…)

- Hộ chiếu công vụ, trang bìa màu xanh lá cây đậm (mẫu HCCV): Cấp cho đối tượng thuộc Điều 9 Luật XNC như cán bộ, công chức, viên chức, Công an, Quân đội… được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.

- Hộ chiếu phổ thông, trang bìa màu xanh tím (hộ chiếu mẫu mới): cấp cho công dân Việt Nam.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 6 Luật XNC thì hộ chiếu được làm theo hai dạng là có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Hộ chiếu không gắn chíp điện tử được cấp cho công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc cấp theo thủ tục rút gọn.

Từ 1-7-2022, công dân Việt Nam ở trong nước và công dân Việt Nam đang ở nước ngoài sẽ bắt đầu được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử theo mẫu mới. Ảnh: UYÊN TRANG
Từ 1-7-2022, công dân Việt Nam ở trong nước và công dân Việt Nam đang ở nước ngoài sẽ bắt đầu được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử theo mẫu mới. Ảnh: UYÊN TRANG

Hộ chiếu có thời hạn bao lâu?

Điều 7 Luật XNC quy định về thời hạn của hộ chiếu như sau:

- Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn.

- Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn năm năm và không được gia hạn.

- Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.

- Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn 1-5 năm; có thể được gia hạn một lần không quá ba năm.

Làm hộ chiếu ở đâu?

Hiện nay công dân có thể làm làm hộ chiếu phổ thông tại hai cơ quan là Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh và Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Cụ thể, khoản 3, Điều 15 Luật XNC quy định trường hợp công dân đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước lần đầu thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; trường hợp có thẻ CCCD thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.

Trường hợp người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trong nước lần đầu thuộc một trong các trường hợp sau đây có thể lựa chọn thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an:

- Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh.

- Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết.

- Có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

- Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.

Đối với đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai, người dân được thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Nếu công dân ở nước ngoài, đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước người đó cư trú. Đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi.

Đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, thẩm quyền cấp thuộc về cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền.

Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu gồm những gì?

Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông theo quy định tại Điều 15 Luật XNC bao gồm: Một tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu; hai ảnh chân dung cỡ 4x6, nền trắng; CMND/CCCD còn giá trị.

Trường hợp làm hộ chiếu phổ thông cho người chưa đủ 14 tuổi phải có bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh.

Thời gian làm hộ chiếu là bao lâu?

Trường hợp công dân nộp hồ sơ yêu cầu cấp hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh: Thời hạn giải quyết không quá tám ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Đối với hồ sơ nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh: Thời hạn giải quyết không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp đề nghị cấp hộ chiếu tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, thời hạn giải quyết không quá ba ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.

Lệ phí khi làm hộ chiếu là bao nhiêu?

Căn cứ Thông tư 25/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam thì lệ phí cấp hộ chiếu (bao gồm hộ chiếu gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử) như sau:

- Cấp mới: 200.000 đồng;

- Cấp lại do hỏng hoặc mất: 400.000 đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm