Theo dữ liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật đến hết tháng 8 năm nay, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng đã đạt 6.924.889 tỉ đồng (gần 7 triệu tỉ đồng), tăng 6% so với cuối năm 2023. Như vậy so với cuối tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm 86.475 tỉ đồng, tức mỗi ngày trong tháng 8 có 2.882 tỉ đồng được gửi vào ngân hàng.
Cùng thời điểm này, lượng tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đạt 6.838.341 tỉ đồng, giảm nhẹ 0,05% so với cuối năm ngoái.
Lượng tiền nhàn rỗi ồ ạt chảy vào ngân hàng
Gộp chung lượng tiền gửi của cả khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong 8 tháng đầu năm nay, tổng lượng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng thương mại lên đến 13.763.230 tỉ đồng, tương ứng tăng 4,12% so với cuối năm 2023. Đây cũng là lượng tiền gửi cao kỷ lục trong hệ thống ngân hàng từ trước đến nay.
Theo số liệu mới nhất đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 về hoạt động ngân hàng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho biết tổng tiền gửi tính đến cuối tháng 10 ước đạt 14,5 triệu tỉ đồng.
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết thêm: Trên địa bàn thành phố, trong 10 tháng đầu năm, tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân (bao gồm tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi không kỳ hạn) tăng 8,3% so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư đến nay đạt trên 1,4 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 36,8% - 38% trong tổng tiền gửi.
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng tiền gửi, ông Lệnh nhấn mạnh: Có thể nói, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và cá nhân luôn là nguồn vốn quan trọng đối với các tổ chức tín dụng. Bởi bản chất của hoạt động ngân hàng là đi vay để cho vay.
“Đặc biệt trong điều kiện ngành ngân hàng thực hiện nhiệm vụ kép là vừa ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thì tăng trưởng nguồn vốn huy động qua hệ thống ngân hàng có ý nghĩa quan trọng và phản ánh những tín hiệu tích cực”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Ở chiều cho vay, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã thông tin, tính đến cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng hơn 10%.
Như vậy, trong 2 tháng cuối cùng của năm, tín dụng toàn nền kinh tế phải đạt mức tăng trưởng 4 - 5% mới đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là khoảng 15% mà NHNN nước đặt ra.
Quy định mới về lãi suất tiền gửi
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 2410/QĐ-NHNN quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức và cá nhân là 0%/năm.
Quyết định số 2411/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô ở mức 5,25%/năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 20-11-2024.
Không cần "lên tivi" vay lãi suất thấp
Một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, có nhiều lý do khiến lượng tiền gửi trong hệ thống tăng cao. Do đó, chỉ nhìn vào con số chung là 14,5 triệu tỉ đồng đang nằm trong hệ thống ngân hàng thương mại thì chưa đủ dữ liệu để khẳng định người dân và doanh nghiệp không muốn đầu tư vào nền kinh tế nên mới mang tiền gửi ngân hàng dịp cao điểm kinh doanh cuối năm.
Chẳng hạn, lượng tiền gửi của cư dân tăng mạnh là bởi dòng tiền đang tìm nơi trú ẩn ở ngân hàng, chờ đầu tư vào chứng khoán, bất động sản... khi có cơ hội tốt và xu hướng trở nên rõ ràng hơn. Hoặc với các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có thể bán bớt ngoại tệ khi tỉ giá tăng cao và động thái này cũng góp phần tăng nguồn cung tiền đồng trong hệ thống.
"Hơn nữa, tăng trưởng huy động cao mà bị ứ đọng tiền trong hệ thống như trong giai đoạn năm 2023 và quý 1-2024 do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu thì mới đáng lo. Còn trong những tháng gần đây, xu hướng tín dụng toàn hệ thống tăng rõ rệt, cho thấy các ngân hàng không còn tình trạng thừa vốn nữa", chuyên gia nhận định.
Điều này cũng được Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định. Ông cho biết, tổng số vốn huy động của hệ thống ngân hàng đạt 14,5 triệu tỉ đồng trong khi dư nợ cho vay là 14,7 triệu tỉ đồng. Tức là các ngân hàng thương mại đang dùng vốn điều lệ để cho vay, bù đắp phần thiếu hụt do huy động thấp hơn tín dụng.
Ở phía ngân hàng thương mại, Tổng giám đốc một ngân hàng lớn phân tích, đặc thù của doanh nghiệp, nếu hoạt động kinh doanh khả quan thì không bao giờ gửi tiền vào ngân hàng cả. Nhưng quan trọng là họ gửi trong thời gian bao lâu. Nếu họ chỉ gửi tạm thời 2-3 tháng thì cũng không có gì đáng phải bàn.
Chẳng hạn, hiện nay cà phê đang bước vào vụ mới, nên nhiều doanh nghiệp vay để thu mua cà phê đã đưa dư nợ về 0, và phải sang đến tháng 4-2025 khi bước vào vụ thu hoạch mới thì mới có kế hoạch vay tiếp. Trong giai đoạn chờ vụ thu hoạch mới và chưa tìm kiếm được kênh đầu tư phù hợp thì dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp tạm thời gửi vào ngân hàng là điều đương nhiên.
Còn với khách hàng cá nhân, động thái gửi vào ngân hàng ngay cả khi lãi suất thấp càng dễ hiểu hơn. Thử hỏi, có ai dám xuống tiền vào kênh đầu tư cổ phiếu khi thị trường chứng khoán trồi sụt liên tục?
Với kênh bất động sản, dù đã có dấu hiệu rã đông, nhưng chưa thực sự sôi động. Người dân vẫn chờ giá bất động sản điều chỉnh, bởi lẽ khi 3 bộ luật lớn liên quan đến ngành này vừa có hiệu lực sẽ sớm giúp nhiều dự án đang “đắp chiếu” được khởi công trở lại, qua đó sẽ đẩy nguồn cung trên thị trường tăng đột biến.
Đối với kênh vàng, đúng là có tỉ suất sinh lời cao, nhưng liệu có ai dồn hết 100% số tiền mình có vào vàng không? Khi vàng bật lên 90 triệu đồng/lượng, nhiều người cho rằng loại tài sản này sẽ vọt lên cao nữa. Song thực tế là kim loại quý đảo chiều và giảm gần chục triệu đồng chỉ trong 2 tuần trở lại đây.
"Trong bối cảnh các kênh đầu tư đang bị bó hẹp như vậy thì việc người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng đâu có gì là khó hiểu”, vị lãnh đạo ngân hàng phân tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM nhấn mạnh: Trong môi trường lãi suất thấp, nhưng nguồn vốn huy động vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại khai thác và sử dụng vốn hiệu quả. Qua đó, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn tín dụng cho doanh nghiệp và nền kinh tế để phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất cho vay có khi chỉ 4%
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho hay, nhờ nguồn vốn huy động tăng mạnh ngay cả khi nền lãi suất huy động thấp đã hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì chính sách lãi suất ưu đãi đối với nhiều ngành nghề. Câu chuyện về lãi vay ngắn hạn cho doanh nghiệp tốt chỉ ở mức 4%/năm là có thật, chứ không phải lên tivi mà vay đâu.
Nhìn vào trực diện, nhiều người sẽ cho rằng mức lãi suất này là không khả thi, nhưng ngân hàng cho vay thì tính lãi suất bình quân. Bởi trong cơ cấu tiền gửi, tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất chỉ có 0,1 - 0,3%/năm, tiền gửi dưới 5 tháng chỉ có khoảng 2,5%/năm, và tiền gửi 1 năm cũng chỉ khoảng 5%/năm.
Do đó, khi cho vay, ngân hàng đã tính toán tổng hòa các nguồn vốn để đưa ra một mức lãi suất phù hợp và chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để cho vay khách hàng tốt với lãi suất thấp. Dù lợi nhuận thấp, song ngân hàng vẫn phải cho vay để còn duy trì các những quan hệ giao dịch khác như là dòng tiền của doanh nghiệp, kinh doanh mua bán ngoại tệ...