“Bí ẩn hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc: Lộn xộn quan liêu hay Trung Quốc độc đoán?” là đầu đề bài viết của GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) đăng trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 17-6. Bài viết đã cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan đến hội nghị đặc biệt bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ở Côn Minh hôm 14-6.
Hội nghị ASEAN chỉ là “phiên họp kín”?
GS Carl Thayer ghi nhận trước nay các hội nghị ASEAN-Trung Quốc ở cấp thượng đỉnh và cấp bộ trưởng ngoại giao đều ra tuyên bố chung. Mấy năm nay, tuyên bố chung đều đề cập đến biển Đông với lời lẽ ngoại giao và chung chung để các bên có thể chấp nhận được.
Ví dụ, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, chủ tịch ASEAN đã ra tuyên bố. Trong 18 đoạn của tuyên bố có ba đoạn ngắn đề cập đến biển Đông.
Sau hội nghị Côn Minh ngày 14-6, báo chí đưa tin ba giờ sau khi Malaysia cung cấp văn kiện cho hãng tin AFP (Pháp), ban thư ký ASEAN đã thu hồi văn kiện này lại. Một quan chức Malaysia nói vì cần “chỉnh sửa khẩn cấp”.
Văn kiện đã phát được xem là “thông cáo báo chí” theo cách gọi của các quan chức Malaysia hay “hướng dẫn truyền thông” theo cách gọi của các quan chức Indonesia.
Thật ra văn kiện này được gọi là gì thì tổng thư ký ASEAN hoặc ban thư ký ASEAN đều không nêu rõ.
Cuối cùng hội nghị Côn Minh chỉ phát đi thông báo ngắn về hội nghị và hoàn toàn không có văn kiện nào nói đến tuyên bố chung.
Ngày 15-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lại tuyên bố hội nghị Côn Minh là “phiên họp kín” và trước khi họp đã có thỏa thuận sẽ không công bố tuyên bố chung.
Hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trên đá Chữ Thập trong năm 2015. Ảnh: DIGITALGLOBE
Vì sao có hội nghị đặc biệt ASEAN?
Tại hội nghị hẹp bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Lào hồi tháng 2, Bộ trưởng Ngoại giao Anifah Hajii Aman của Malaysia là người đề nghị tổ chức hội nghị đặc biệt bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc.
Mục đích nhằm bàn bốn vấn đề: Phát triển quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, đường hướng tương lai của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, chuẩn bị kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc và quan trọng hơn hết là biển Đông.
Đến ngày 9-6, ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức hội nghị quan chức cấp cao (SOM) lần thứ 12 tại Quảng Ninh. Hội nghị đã xem xét việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến độ lập Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Các quan chức ASEAN đã bày tỏ lo ngại về diễn biến gần đây trên biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng phải thực thi đầy đủ một số điều của DOC gồm Điều 4 (giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình), Điều 5 (tự kiềm chế), Điều 6 (hợp tác) và Điều 10 (thông qua COC).
Đây là hội nghị SOM đầu tiên bàn đến bản chất của COC cùng các quan điểm soạn thảo COC.
Hội nghị nhất trí soạn thảo các định hướng về thiết lập đường dây nóng nhằm xử lý các sự cố khẩn cấp trên biển và hoàn thiện ngôn từ trong Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Quy tắc tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES). Cuối cùng, hội nghị SOM đã thảo luận công tác chuẩn bị hội nghị đặc biệt cấp bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc.
Lúc đó, báo chí đưa tin ASEAN đã soạn thảo dự thảo tuyên bố chung về biển Đông và dự kiến sẽ công bố sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực về đơn kiện “đường chín đoạn” của Philippines.
Ngày 10-6, trả lời câu hỏi liệu dự thảo tuyên bố chung này sẽ được bàn đến tại hội nghị đặc biệt Côn Minh hay không, một quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia đáp vẫn chưa có đồng thuận.
Lộn xộn tại hội nghị Côn Minh
Ngày 14-6, hội nghị đặc biệt bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh bàn về việc kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, các vấn đề liên quan đến ASEAN-Trung Quốc và biển Đông.
Theo thông cáo báo chí của Philippines, việc bàn luận về biển Đông diễn ra thẳng thắn.
Ban đầu, hai đồng chủ tọa hội nghị gồm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan (nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc) dự kiến sẽ tổ chức họp báo.
Nhưng rồi hội nghị Côn Minh kéo dài hơn thời gian dự kiến là năm tiếng. Bộ trưởng Ngoại giao Vivian Balakrishnan cùng những người đồng cấp ASEAN phải đáp chuyến bay về nước, cuộc họp báo bị hủy.
GS Carl Thayer nhận xét trước khi ASEAN giải thích thì xem ra bộ máy ASEAN đã hoạt động rối loạn.
Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết tuyên bố chung ban đầu phân phát chỉ là “hướng dẫn truyền thông” vốn được chuẩn bị để phát trong cuộc họp báo và đó là kết luận của hội nghị đặc biệt (cuối cùng cuộc họp báo bị hủy).
Chính trong bối cảnh lộn xộn này mà ban thư ký ASEAN đã phát đi văn kiện mà Malaysia chuyển cho hãng tin AFP. Khi văn kiện được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới yêu cầu Lào với tư cách nước chủ tịch ASEAN giải thích. Rồi chưa đầy ba tiếng sau, văn kiện bị thu hồi. Phía Trung Quốc tuyên bố văn kiện đó không phải là tuyên bố chính thức của ASEAN.
Tuyên bố riêng của Philippines
Sau hội nghị Côn Minh, ít nhất bốn nước gồm Việt Nam, Philippines, Singapore và Indonesia đã ra tuyên bố riêng. Tuyên bố riêng của Philippines cung cấp nhiều chi tiết hơn, theo đó về biển Đông các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã:
- Bày tỏ lo ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm xói mòn sự tín nhiệm và tin tưởng, căng thẳng gia tăng và có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông.
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng không và hàng hải trên biển Đông, tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
- Nhấn mạnh đến cần thiết phải tăng cường tin cậy lẫn nhau, kiềm chế các hoạt động có thể gây phức tạp thêm tình hình hoặc làm gia tăng căng thẳng, tiếp tục giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế.
- Cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng đe dọa hay vũ lực phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và hiến chương LHQ.
- Nhấn mạnh đền tầm quan trọng của phi quân sự hóa và kiềm chế trong mọi hoạt động, bao gồm cải tạo đất.
- Tiếp tục khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và thực chất DOC đồng thời lưu ý một giai đoạn tham vấn mới, kêu gọi sớm thông qua COC.
- Theo đuổi đầy đủ và hiệu quả việc thực hiện COC, cần sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự xây dựng lòng tin cùng các biện pháp đề phòng nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các bên.
Nội dung văn kiện đã công bố Văn kiện AFP đăng tải có bốn đoạn cho thấy hội nghị ASEAN đã sử dụng lời lẽ cứng rắn về biển Đông. GS Carl Thayer đã so sánh như sau: - Đoạn đầu viết: “Chúng tôi bày tỏ lo ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và đang diễn ra, đã làm xói mòn sự tín nhiệm và lòng tin, căng thẳng…”. Đoạn này tương tự Điều 12 trong thông cáo báo chí được hội nghị hẹp bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Lào hồi tháng 2 công bố. Như vậy rõ ràng tất cả bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đều đã đạt đồng thuận về vấn đề này. - Đoạn thứ hai “nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế trong thái độ ứng xử, trong đó có cải tạo đất…”. Trong thông cáo báo chí của hội nghị ở Lào, điểm 14 chỉ nêu vấn đề kiềm chế chứ không đề cập đến vấn đề quân sự hóa. Như vậy bây giờ hội nghị ASEAN đã đạt đồng thuận cao hơn. - Đoạn thứ ba nêu nội dung chung không khác các tuyên bố trước đây của ASEAN. Đoạn thứ tư đề cập “tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao”. Đoạn này không khác điểm 15 trong thông cáo báo chí của hội nghị ở Lào. Báo chí đưa thêm một câu vào văn kiện đã phổ biến của ASEAN: “Chúng ta không thể bỏ qua những gì đang xảy ra trên biển Đông vì đấy là một vấn đề quan trọng trong quan hệ và hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc”. Nếu chính xác, câu này đã trực tiếp thách thức quan điểm của Trung Quốc rằng biển Đông chỉ là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc với từng nước đòi chủ quyền. |