Trong một diễn biến được đánh giá là đầy bất ngờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-1 dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt và thuế quan lên Nga nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Suốt nhiều năm, ông Trump được biết đến với thái độ thân thiện rõ ràng đối với ông Putin. Vào năm 2022, ông Trump từng ca ngợi ông Putin là “thiên tài” và “sắc sảo” vì những bước đi của nhà lãnh đạo Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Ngoài ra, cả Ukraine và các đồng minh của Kiev thường xuyên bày tỏ quan ngại rằng ông Trump sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine nhằm buộc Kiev phải đàm phán.
Thế nên, việc ông Trump dọa trừng phạt Nga khiến mọi chuyện trở nên khó đoán, theo kênh Channel NewsAsia (CNA).
Ông Trump đã thay đổi quan điểm về Nga?
Tổng thống Trump từ lâu nổi tiếng với tính cách khó đoán và khả năng gây bất ngờ cho người khác. Động thái đảo chiều vừa qua của tân tổng thống Mỹ hoàn toàn phù hợp với phong cách đó.
Có thể đội ngũ cố vấn của ông Trump đã thuyết phục ông rằng Nga không sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để chiến thắng, và kinh tế Nga đang dễ bị tổn thương trước các đe dọa về sự cô lập bán vĩnh viễn và các biện pháp trừng phạt.
Nga đủ lớn so với Ukraine và có khả năng giành chiến thắng khi đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ ở phía Đông Ukraine. Chuyên gia cho rằng Ukraine gần như không thể tái chiếm nhiều lãnh thổ đã mất. Tuy nhiên, Moscow cũng không muốn mất đi mối quan hệ với nhiều nước trên thế giới chỉ vì cuộc chiến ở Ukraine.
Kinh tế Nga đang trong trạng thái chiến tranh, điều này tạo ra sức mạnh cần thiết để giành được các thành quả trên chiến trường ở Ukraine, nhưng cũng đi kèm với những chi phí rõ rệt. Đầu tư vào dân sự bị cắt giảm khi sản xuất được chuyển hướng sang nhu cầu quân sự. Tài chính cho nghiên cứu, giáo dục, cơ sở hạ tầng, sửa chữa,... bị cắt giảm. Người dân phải chịu đựng thiếu thốn khi sản xuất hàng hóa dân dụng giảm sút. Chi tiêu quân sự cao kéo dài sẽ tạo ra tình trạng đình trệ kinh tế.
Các biện pháp trừng phạt chỉ làm những áp lực này trở nên trầm trọng hơn. Các nguồn lực và công nghệ từ nước ngoài bị mất đi. Chẳng hạn, nhiều quan sát viên đã chỉ ra rằng Nga chủ yếu đang sử dụng công nghệ thế hệ trước trong cuộc chiến ở Ukraine vì Nga không có công nghệ hiện đại nhất hoặc thiếu các thành phần để sản xuất.
Nhìn chung, Nga đang giành chiến thắng nhưng cũng phải chịu các tổn thất về chi phí về kinh tế, ngoại giao và quân sự.
Tổng thống Trump có vẻ đã nhận ra rằng ông có thể gây áp lực không chỉ lên Ukraine mà còn cả Nga, để ép hai bên phải nhượng bộ và chấm dứt chiến tranh.
Mối quan hệ kỳ lạ giữa ông Trump và ông Putin?
Trong nhiều năm qua, mối quan hệ giữa ông Trump và ông Putin được giới quan sát đánh giá là khá thú vị.
Tổng thống Trump có một hồ sơ dài chỉ trích gần như mọi đối thủ hoặc người mà ông giao tiếp, kể cả các cựu tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo đồng minh của Mỹ, và thậm chí là cả Giáo hoàng. Tuy nhiên, ông Trump lại chưa bao giờ công khai chỉ trích, đặt biệt danh hay chế giễu ông Putin.
Thay vào đó, ông Trump thường xuyên khen ngợi nhà lãnh đạo Nga là người mạnh mẽ, gọi ông Putin là bạn bè. Điều này khá đặc biệt vì ông Trump không dễ dàng dành lời khen cho ai.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, ông Trump tỏ ra lạnh nhạt với quan điểm của Kiev rằng nước này là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc Nga. Ông Trump và các đồng minh của ông cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và/hoặc Ukraine là bên nào đó chịu trách nhiệm cho cuộc chiến này.
Nếu sự đảo chiều của Tổng thống Trump trong cuộc chiến này giữ vững, điều này sẽ kích động một cuộc đánh giá lại mối quan hệ giữa ông và Tổng thống Putin.
Liệu ông Trump có thể thúc đẩy một thỏa thuận kết thúc xung đột ở Ukraine?
Ông Trump có thể không quá quan tâm đến các đồng minh của Mỹ, nhưng ông hiểu rằng chiến thắng hoàn toàn của Nga trong cuộc chiến với Ukraine sẽ khiến nhiều quốc gia phương Tây không thể chấp nhận.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng hiểu rằng một cuộc chiến dai dẳng, cường độ cao có thể phát triển theo những cách không thể đoán trước và sẽ hút cạn thời gian và sự tập trung trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông Trump không muốn nhiệm kỳ tổng thống của ông bị những xung đột quốc tế mà ông không quan tâm chi phối. Theo GS Robert Kelly tại ĐH Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), những điều trên thúc đẩy ông Trump sử dụng các đe dọa kinh tế để gây áp lực lên Nga.
Ngày 23-1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng lời cảnh báo của Tổng thống Trump “không có gì mới”. Theo GS Kelly, Nga sẽ không dễ dàng đồng ý nhanh chóng nhưng nhiều khả năng một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine có thể đạt được trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Vị chuyên gia cho rằng đó là cơ hội tốt nhất để Nga có một thỏa thuận có lợi. Các tổng thống Mỹ trong tương lai có thể sẽ có thái độ kém thân thiện với Nga hơn so với ông Trump theo cách thức truyền thống của chính sách đối ngoại Mỹ.
Theo giới quan sát, ông Trump lâu nay vẫn tự nhận mình là người giỏi trong “nghệ thuật thương lượng”, bây giờ là lúc ông sử dụng những kỹ năng đó để kết thúc cuộc chiến ở Ukraine.