Giải pháp sinh kế cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia

(PLO)- Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của QH về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của QH về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hai tiêu chí vượt mục tiêu

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, cho biết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đến nay đã có hai tiêu chí vượt mục tiêu.

Cụ thể là tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo, tiêu chí số 16 về văn hóa, ngoài ra có tám tiêu chí được đánh giá gần đạt được mục tiêu.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Về giải ngân vốn, đến hết tháng 6-2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 88%, vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 34,3%, cao nhất trong ba chương trình mục tiêu quốc gia.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2023, theo báo cáo đánh giá, chương trình sẽ đạt chỉ tiêu QH, Chính phủ giao. Trong đó, ước tính tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93% (giảm 1,1%); tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%), tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%).

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động

Cả ba chương trình đều có điểm chung là hướng đến người nghèo, vùng nông thôn, dân tộc thiểu số khó khăn. Vì vậy, giải pháp về sinh kế, nâng cao thu nhập cần phải được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Song song với quá trình đẩy mạnh sản xuất hàng hóa thì cần có giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ. Cùng với đó là thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, thu hút lao động có trình độ về làm việc ở vùng này.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM

Dự kiến cuối năm 2023 sẽ có thêm chín xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt 61,73% so với mục tiêu 30% số xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo theo chỉ tiêu giao đến năm 2025.

Về các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc vẫn khá tích cực, tỉ lệ nghèo giảm 3,4% (đạt và vượt 3% mục tiêu kế hoạch giao).

Làm rõ những khó khăn, vướng mắc

Đoàn giám sát đánh giá chung việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đã có tác động, góp phần nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, về số lượng các văn bản quản lý, đến nay cơ bản dù đã hoàn thành nhưng qua giám sát, nhiều địa phương phản ánh số lượng văn bản quá nhiều, trên 300 văn bản của cả trung ương và địa phương.

Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm (quý II-2022 mới giao), chưa có cơ chế giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn năm năm cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia khó thực hiện, phân bổ vốn còn manh mún, chưa phù hợp với đặc thù của từng vùng miền, thiếu cơ sở thực tiễn...

Do đó, Đoàn giám sát đề nghị thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai chương trình. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chương trình ở các cấp, ngành; đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết QH mong muốn nghị quyết giám sát thực sự có những kiến nghị, đề xuất đúng và trúng để thúc đẩy thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, tập trung vào mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã có của các chương trình, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các nguồn lực nói chung trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

“Cũng cần làm rõ vì sao chậm, vì sao vướng mắc, điểm nghẽn ở đâu và tháo gỡ như thế nào trong quá trình thực hiện” - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói và cho biết phải xác định được trách nhiệm của đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục cụ thể.

Tiếp thu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát, cho biết Đoàn giám sát sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, dự thảo nghị quyết trình QH tại kỳ họp thứ sáu, QH khóa XV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm