Ngày 4-8, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã dẫn đầu Đoàn công tác đến Bạc Liêu khảo sát việc thực hiện 3 chương trình MTQG ở tỉnh này.
Đoàn công tác đã đến thị xã Giá Rai, đến huyện Hoà Bình và nhiều hộ dân trong tỉnh khảo sát trực tiếp sự tác động từ 3 chương trình MTQG đến đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (Thứ 2 từ phải sang) cùng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khảo sát các mô hình phát triển kinh tế liên quan đến 3 chương trình MTQG tại tỉnh này. Ảnh: CTV |
Theo báo cáo của thị xã Giá Rai, tổng kinh phí thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn từ năm 2021-2023 là gần 124 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là hơn 55 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách địa phương.
Kết quả giải ngân đến 31/7, thị xã Giá Rai đã giải ngân được hơn 73,67 tỷ đồng, đạt 67,55% dự toán được giao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao, biểu dương thị xã Giá Rai đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để giúp người dân hiểu được trách nhiệm, thấy được lợi ích to lớn và tham gia tích cực vào việc thực hiện các chương trình MTQG, nhờ đó có nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang, đáng sống.
"Điều đáng vui mừng nhất là thị xã có nhiều mô hình làm kinh tế đã và đang sử dụng nguồn vốn lồng ghép của các chương trình MTQG, giúp cho đời sống từng người, từng nhà khá lên và đây là mục tiêu tối thượng của các chương trình MTQG"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về việc thực hiện 3 chương trình MTQG chung của tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần cố gắng hơn nữa, vì tỉ lệ giải ngân chung của 3 chương trình này còn thấp hơn so với mặt bằng chung của các địa phương trong khu vực ĐBSCL.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (thứ 2 từ trái sang) đến khảo sát đời sống nhân dân liên quan sự hỗ trợ từ 3 chương trình MTQG tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: CTV |
Đoàn công tác cũng đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện 3 chương trình MTQG của Thị xã Giá Rai cũng như của tỉnh Bạc Liêu. Địa phương này báo cáo quá trình thực hiện 3 chương trình MTQG đã gặp những khó khăn như: Chưa có văn bản quy định mức đất sản xuất/hộ làm cơ sở xác định hộ thiếu đất sản xuất; chưa có định mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trong khi thị xã không có quỹ đất để hỗ trợ.
Theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, trường hợp địa phương không có quỹ đất để hỗ trợ thì thực hiện chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng phải là hộ sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp. Quá trình rà soát trên địa bàn thị xã chỉ có 5 hộ đủ điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề, số hộ nghèo dân tộc thiểu số còn lại phần đông là lao động tự do.