Giải quyết gánh nặng ung thư: Cần xem xét đến các giải pháp giảm tác hại

(PLO)-Có thể nói bệnh ung thư là một gánh nặng cho hệ thống y tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hiện nay, tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân gia tăng ung thư trên thế giới và tại Việt Nam

Theo số liệu thống kê, đến năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Tình hình này cũng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ.

Trong các nguyên nhân gây tử vong, ít nhất 7 trong số 10 nguyên nhân liên quan trực tiếp đến lối sống, hành vi và lựa chọn cá nhân. Nhiều người vẫn tiếp tục lựa chọn lối sống chưa phù hợp dù tình trạng sức khỏe đang xấu. Điển hình như bệnh nhân COPD vẫn tiếp tục hút thuốc; bệnh nhân tiểu đường vẫn tiếp tục ăn thực phẩm không lành mạnh, ít chất xơ; bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ vẫn duy trì lối sống ít vận động và chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ… Rõ ràng, việc thay đổi lối sống là một giải pháp hữu hiệu, nhưng bệnh nhân vẫn không hợp tác hoặc không thể thay đổi hành vi của họ.

Thay đổi lối sống là một giải pháp hữu hiệu để cải thiện sức khỏe

Điều này càng rõ ràng hơn đối với vấn đề hút thuốc lá tại Việt Nam. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2025 trên thế giới vẫn sẽ có hơn 1 tỉ người hút thuốc, một con số không thay đổi so với trước đây. Để giải quyết vấn đề hút thuốc lá gây ra bệnh ung thư và dẫn đến tử vong, bác sĩ luôn luôn khuyến khích bệnh nhân bỏ hoàn toàn thuốc lá. Nhưng thực tế cho thấy ngay cả trong các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi, bệnh nhân biết họ có thể tử vong bất cứ lúc nào, nhưng vẫn có 64% người hút thuốc được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vẫn tiếp tục hút thuốc.

Có 64% người hút thuốc được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vẫn tiếp tục hút thuốc

Thực trạng trên cho thấy, rất khó để thay đổi hành vi của bệnh nhân, vì các giải pháp đưa ra không thể mang tính chất ép buộc, mà giải pháp cần phải được số đông bệnh nhân tự nguyện đón nhận để cải thiện tình trạng sức khỏe..

Giải pháp giảm tác hại sẽ giải quyết được nhiều thực trạng

Có thể thấy, để cải thiện tình trạng sức khỏe cộng đồng liên quan đến lối sống, hiện có nhiều phương cách khác nhau. Cách đầu tiên dễ thấy và dễ làm nhất đó là tránh và cấm. Tuy nhiên, cách này không thực sự hiệu quả.

Cách thứ hai là tăng cường việc kiểm soát và mức độ hiệu quả của các phương thức kiểm soát. Tuy đã được thực hiện trong suốt nhiều năm trên thế giới, nhưng cách này cũng chưa mang lại hiệu quả cao. Trong những năm gần đây, chiến lược cải thiện sức khỏe cộng đồng có những thay đổi tích cực. Thêm một phương pháp thường có thể hiệu quả để thực hiện điều này, đó là chấp nhận những giải pháp thay thế đến từ công nghệ đổi mới. Sự đổi mới công nghệ đã mang lại cải thiện rất lớn trong nhiều trường hợp. Ví dụ như, con người tử vong do tai nạn xe hơi xảy ra, và chúng ta phát minh ra dây an toàn, túi khí, thắng đĩa để số ca tử vong do tai nạn giảm đi. Về vấn đề ăn uống không hợp lý, các thuốc statin, stent và thuốc chống kết tập tiểu cầu được sử dụng; từ đó số ca tử vong do ăn uống không hợp lý giảm bớt. Đối với sức khỏe tình dục, vắc xin và bao cao su đã được tuyên truyền và áp dụng. Đối với thuốc lá, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, chúng ta cũng có thể cân nhắc các giải pháp thay thế để giảm thiểu tác hại cho người hút thuốc.

Có thể cân nhắc các giải pháp thay thế để giảm thiểu tác hại cho người hút thuốc

Bệnh ung thư nói chung vàung thư do hút thuốc lá nói riêng, sự hình thành bệnh ung thư là vấn đề về liều lượng và đáp ứng. Phơi nhiễm với tác nhân gây ung thư càng nhiều hoặc càng lâu sẽ dẫn đến nguy cơ ung thư càng cao. Như vậy, để giảm thiểu khả năng gây ung thư, cần giảm sự phơi nhiễm với các tác nhân gây ung thư.

Hiện nay, các tổ chức uy tín trên thế giới, như Viện Y tế và Chăm sóc sức khỏe chất lượng cao quốc gia của Anh (NICE), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)... đã công nhận các tác nhân gây ung thư của thuốc lá chính là các chất độc hại sản sinh từ quá trình đốt cháy điếu thuốc lá. Trong khói thuốc lá, có hơn 6.000 chất hóa học cũng như các phân tử kích thước siêu nhỏ. Gần 100 chất trong số các chất đó đã được FDA xếp loại là “các thành phần gây hại hoặc có tiềm năng gây hại (HPHC)”. Phần lớn những chất này được xếp loại là chất gây ung thư hoặc có tiềm năng gây ung thư.

Dựa trên hiểu biết này, thế giới đã xuất hiện, nghiên cứu và áp dụng hướng tiếp cận giảm thiếu tác hại thuốc lá bằng cách loại bỏ quá trình đốt cháy thuốc lá. Các tổ chức y tế như FDA Hoa Kỳ, Viện Đánh giá rủi ro Liên bang Đức (BfR), Viện Y tế công cộng và Môi trường quốc gia của Hà Lan đã tiến hành các đánh giá và nghiên cứu độc lập về các sản phẩm ứng dụng công nghệ loại bỏ quá trình đốt cháy này. Kết quả cho thấy hàm lượng các tác nhân gây ung thư chính trong các sản phẩm này giảm rõ rệt so với thuốc lá điếu đốt cháy thông thường. Ngoài ra, cơ quan y tế của nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản,… cũng đã chính thức nhìn nhận hướng tiếp cận này. Như vậy, các hướng tiếp cận có đầy đủ bằng chứng khoa học cho thấy việc giảm phơi nhiễm của cơ thể với các chất độc hại gây ung thư có thể được cân nhắc áp dụng và trở thành hướng tiếp cận để giảm thiểu nguy cơ tử vong liên quan đến hút thuốc lá. Việc nghiên cứu mối liên quan giữa các sản phẩm đốt cháy với ung thư vẫn đang được tiếp tục.

Có thể thấy, các giải pháp giảm tác hại ngày càng được ứng dụng rộng rãi và phổ biến ở nhiều lĩnh vực. Trong tương lai, nếu việc giảm tác hại được ứng dụng đa dạng không chỉ trong y tế công cộng mà còn trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác thì sẽ ngày càng giảm thiểu hóa những hệ lụy không mong muốn. Do vậy, cần sớm nhìn nhận, nghiên cứu các giải pháp giảm tác hại cũng như tính ứng dụng của nó để tình trạng sức khỏe cộng đồng ở mọi phương diện đều sớm được giải quyết bớt gánh nặng. (Theo TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới