Bà Thanh cho biết giải quyết khiếu nại là “công việc của tổ chức, giờ tổ chức đang làm theo quy trình”.
Bà Phan Thị Mỹ Thanh đang trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 24-10
Theo Quy định số 30 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ban hành ngày 26-7-2016 về thi hành Chương VII và Chương III Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, đảng viên bị kỷ luật không đồng ý với quyết định kỷ luật thì được khiếu nại lên các tổ chức đảng có thẩm quyền giải quyết cấp trên. Thời hạn khiếu nại trong vòng 30 ngày làm việc, tính từ ngày công bố quyết định kỷ luật.
Trong trường hợp bà Thanh bị UBKTTƯ thi hành kỷ luật thì cấp giải quyết khiếu nại là Ban Bí thư. Bà Thanh là cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Bí thư.
Nguồn tin từ UBKTTƯ cho biết cơ quan này đã nhận được đơn khiếu nại của bà Thanh. “Bởi bên này là cơ quan tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhiều nội dung, trong đó có công tác giải quyết khiếu nại. Vì vậy khi có đơn khiếu nại thì Ban Bí thư sẽ giao lại cho chúng tôi nghiên cứu, tham mưu giải quyết” - nguồn tin này cho hay.
Theo các chuyên gia am hiểu về công tác giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng, cơ quan đã ra quyết định thi hành kỷ luật sẽ không được trực tiếp giải quyết khiếu nại này. Thay vào đó sẽ là đoàn liên ngành, gồm đại diện nhiều ban đảng.
Chẳng hạn trong trường hợp bà Thanh, Ban Bí thư sẽ thành lập một đoàn kiểm tra lại việc thi hành kỷ luật, do lãnh đạo một ban đảng ở trung ương (không phả i UBKTTƯ) làm trưởng đoàn. Các thành viên sẽ là cán bộ cấp vụ ở một số cơ quan như Văn phòng Trung ương, Ban Nội chí nh Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân vận Trung ương… UBKTTƯ cũng như một người làm thư ký cho đoàn này.
Về quy trình, thủ tục, bước đầu tiên, đoàn kiểm tra sẽ làm việc trực tiếp với người có đơn khiếu nại, xác tín rõ nội dung, phạm vi khiếu nại. “Đây là việc quan trọng để làm rõ cơ sở giải quyết sự việc.
Bởi có trường hợp sau khi gửi đơn, chính người khiếu nại lại thay đổi nội dung, thậm chí rút khiếu nại” - một ủy viên UBKTTƯ cho hay.
Tiếp theo, đoàn giải quyết khiếu nại sẽ làm việc từ tổ chức đảng cơ sở trở lên. Như trường hợp bà Thanh, sau khi bị UBKTTƯ kết luận về dấu hiệu vi phạm thì đã phải kiểm điểm, lấy phiếu về hình thức kỷ luật từ chi bộ nơi sinh hoạt đến các cấp ủy nơi bà công tác, trong đó có Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoài ra, đoàn giải quyết khiếu nại sẽ làm việc với UBKTTƯ để đối chiếu các chứng cứ thu thậpđ ược với các nội dung mà cơ quan kiểm tra đã đánh giá, kết luận, cũng như quyết định hình thức kỷ luật.
“Về nguyên tắc, đảng viên bị kỷ luật có thể khiếu nại kêu oan, khiếu nại một phần hoặc toàn bộ nội dung kết luận cũng như khiếu nại về hình thức kỷ luật đã tuyên. Đoàn kiểm tra bám sát vào nội dung, phạm vi khiếu nại ấy để giải quyết”.
Nguồn tin UBKTTƯ cho hay ở khóa XII này, bà Thanh là người đầu tiên trong nhiệm kỳ này khiếu nại quyết định kỷ luật của UBKTTƯ.
“Kết quả giải quyết khiếu nại có thể làm thay đổi hình thức kỷ luật đã tuyên. Đấy là chuyện bình thường. Nhưng tỉ lệ chung trên toàn quốc nhiều năm qua thì đa số kết quả là giữ nguyên hình thức kỷ luật hoặc tăng nặng. Giảm nhẹ cũng có nhưng không nhiều” - nguồn tin trên cho hay.
Về thời hạn giải quyết, chậm nhất là 90 ngày làm việc đối với cấp tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương trở xuống; 180 ngày làm việc đối với cấp Trung ương, kể từ ngày nhận được khiếu nại thì cấp có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết, trả lời cho người khiếu nại.