Những con đập in dấu tuổi thơ

Từ hàng chục, thậm chí ngót nghét trăm năm, địa phương đã cho xây nhiều con đập ngăn dòng nước mặn hoặc ngăn dòng giữ nước ở các con sông để phục vụ tưới mát cho những cánh đồng phía hạ nguồn.

Thú vui tắm đập trưa hè

Con đập gần nhà đã in dấu tuổi thơ tôi trong những buổi trưa hè. Những con đập già nua, sừng sững chưa bao giờ cạn khô kể cả “hạn bà chằng” kéo dài nhiều ngày.

Người dân hái rau heo về qua con đập Tam Giang (xã An thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Ảnh: TRI TRẦN 

Hồi đó, cứ sau hồi kẻng báo tan trường là học trò chúng tôi khều nhau ra đập tắm.
Ở vùng đồng trũng, sông suối bao quanh, những đứa trẻ lên năm đã bơi như rái cá nhưng không người lớn nào ủng hộ chuyện tắm sông, tắm đập.
Cấm thì cấm, tắm thì tắm, hè oi bức mà được thỏa sức vùng vẫy dưới làn nước mát lạnh, trong vắt thì còn gì bằng.
Chẳng mấy ai dám tắm ở gần các cửa xả mà tắm ở con mương dẫn nước từ đập về đồng.

Ngày hè trẻ thích thú tắm mát ở đập Tam Giang. Ảnh: TRI TRẦN 

Tắm sông, thích nhứt leo lên cầu rồi nhảy xuống. Tắm đập cũng có cái thú vị riêng. Ngày đóng cửa xả, lũ học trò chúng tôi đứng trên đập nhảy xuống, đứa nào nhảy xa hơn thì được thưởng một viên kẹo ú.
Bơi lội tiêu hao năng lượng, bụng đói cồn cào mà nạp một viên kẹo thơm ngon ngọt tê đầu lưỡi, cảm giác sảng khoái lắm.
Đập là nơi tắm giặt của những gia đình gần đó, người giặt giũ ngồi san sát, ngày cận tết thì đông hơn, từ sáng đã kín chỗ. Sau một ngày làm đồng, già trẻ, nam nữ cũng ra đập gội rửa.
Bây giờ, dù nhà nào cũng xây nhà tắm, nước máy, nước giếng mát lạnh nhưng nhiều người vẫn còn thói quen ra đập tắm giặt.
Cứ mỗi lần về quê, tôi thường đến đập Đồng Kho gần nhà. Và có dịp về An Thạch thăm bạn thì không quên ghé đập Tam Giang, ở đó tôi như thấy một khoảng trời tuổi thơ.

Nước không tràn đập có thể đi lại một cách dễ dàng. Ảnh: TRI TRẦN 

Tôi thích thú nhìn cảnh các mẹ, các chị ngồi giặt giũ, một hình ảnh mộc mạc, gần gũi và rất… nhà quê.
Có lần tôi bị người ta phán “thần kinh có vấn đề” vì dưới cái nắng nóng bỏng da, bỗng tôi bật cười khi thấy bọn trẻ nghịch nước.
Cái thời trẻ trâu, trưa hè đám con nít trong xóm thường rủ nhau ra đập chơi đủ trò, nào là đá cỏ đuôi gà, nhử chim.
Nóng quá thì cởi đồ xuống sông lặn bắt ốc, thả chà bắt tôm… Có chiến lợi phẩm rồi, mỗi đứa một việc kê bếp đốt lò nướng, đứa thì hái lá chanh, nhặt muỗng dừa thay nồi để nấu.
Bây giờ, vấn nạn khai thác, đánh bắt kiểu tận diệt, những đặc sản thiên nhiên ban tặng dường như không còn nữa. Thấy mà tiếc, mà thèm cái dư vị ngày xưa...

Đập là nơi hẹn hò

Bây giờ nửa quê nửa thị, quán xá mọc lên như nấm có món ngon đồng quê lại hợp túi tiền nhưng chán. Tôi lại thích thú cùng bạn mua chai rượu và ít mồi nhắm gọn nhẹ ra đập vừa nhâm nhi vừa hít thở không khí trong lành.
Bao câu chuyện, ký ức vui buồn cứ hiển hiện rồi chợt ào ra, kể cả những chuyện mà nếu không ai nhắc tới nữa nó sẽ bị vùi sâu một góc nào đó.
Đường đi lại giữa các xã ngắn hơn nhờ đi đường tắt qua đập. Nhưng không phải ai cũng dám đi, nhất là những hôm nước tràn qua đập. Ngày mưa rêu mọc dễ trơn trượt.
Thời gian ấy, dường như năm nào cũng có người đuối nước tử vong, không già thì trẻ, không gái thì trai. Cũng đã một lần tôi chứng kiến cảnh vớt xác từ cửa đập, gia đình người xấu số tổ chức đám tang tại đây. Hình ảnh những đứa trẻ chít khăn tang gào thét gọi mẹ vẫn còn văng vẳng bên tai.
Trai gái trong làng đến tuổi cặp kê, đập là nơi hò hẹn trao gửi lời yêu. Những đêm sáng trăng, bóng tình nhân đổ xuống mặt nước phẳng lặng, thơ mộng lắm.
Đập là chứng nhân của bao mối tình học trò, của những buổi tiễn đưa và cả những cuộc chia xa vĩnh viễn.
Qua thời gian, con đập ngã màu rêu phong nhưng vẫn thực hiện sứ mệnh của nó là tưới mát ruộng đồng, vẫn có một sức hút kỳ lạ.

Trẻ con thành thị tạo hình bên đập Đồng Kho (xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), xa xa người dân đang giặt quần áo. Ảnh: TRI TRẦN 

Với tôi, đập không chỉ là công trình thủy lợi mà còn là một tuyệt tác của con người. Đập còn là một bức tranh đẹp trong hàng ngàn bức tranh làng quê.
Chiều qua bạn gọi hỏi thăm, dăm câu ba sợi tôi lại nhắc chuyện ngày xưa hai đứa thường ra đập tắm.
Bạn bảo thèm chi ác nhơn. Đơn giản là để xua tan cái nắng giòn tháng 5, để thỏa nhớ, để tìm lại cảm xúc bồi hồi, xốn xang khi lần giở từng trang ký ức.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm