Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm 50% và áp dụng kể từ ngày 1-7 đến hết năm.
Hãng xe đón đầu giảm 100%
Dù chính sách giảm 50% LPTB đối với ô tô “nội” chưa được triển khai nhưng từ tháng 6, nhiều hãng xe đã tung ra chính sách hỗ trợ 50%-100% LPTB cho khách hàng mua xe. Cụ thể như hãng xe Honda đã kết hợp với các đại lý phân phối thực hiện chính sách bán hàng hỗ trợ 100% LPTB cho khách mua mẫu xe Honda CR-V từ ngày 5-6 đến hết 30-6-2023.
Nhân viên kinh doanh của một đại lý kinh doanh ô tô Honda tại quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết mẫu xe CR-V là mẫu xe được lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam. Mẫu xe này hiện có bốn phiên bản với giá bán từ khoảng 998 triệu đến hơn 1,1 tỉ đồng. Khi áp dụng hỗ trợ 100% LPTB, người mua sẽ tiết kiệm được khoản tiền 100-136 triệu đồng tùy vào khu vực đăng ký, như Hà Nội là 12% LPTB, TP.HCM là 10% LPTB.
“Ngoài ra, người mua xe còn được tặng thêm một năm bảo hiểm thân vỏ cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác. Chưa kể, các đại lý cũng có thêm chính sách giảm giá cho mẫu xe sản xuất năm 2022 với mức giảm hơn 100 triệu đồng” - nhân viên này chia sẻ.
Dự kiến từ ngày 1-7 đến hết năm, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ. Ảnh: QUANG HUY |
Một hãng xe khác từ Nhật Bản là Mitsubishi cũng ưu đãi 100% LPTB cho gần như tất cả dòng xe và còn tặng thêm cả bảo hiểm vật chất cho khách mua xe trong tháng 6 này. Cụ thể, khách mua bốn mẫu xe sản xuất năm 2022 được hỗ trợ 100% LPTB, bao gồm Attrage, Xpander, Triton và Pajero Sport. Nhờ vậy mà khách mua xe có thể tiết kiệm được 38-135 triệu đồng tùy theo giá trị xe. Riêng mẫu Outlander được ưu đãi 50% LPTB. Thậm chí, hãng xe này còn miễn lãi vay trong sáu tháng với khách mua. Một số dòng ô tô được tặng thêm camera 360 độ, nắp cuộn cơ cho xe bán tải, camera lùi...
Nhiều mẫu xe có mức giá vừa túi tiền cũng được Toyota triển khai chương trình hỗ trợ 50% LPTB trong tháng 6 như mẫu xe “quốc dân” Vios G và Vios E, Veloz Cross & Avanza Premio (tùy phiên bản) đối với tất cả khách hàng hoàn tất thủ tục thanh toán 100%. Khách mua xe còn được tặng gói khuyến mãi giá trị cao nhất lên tới 32 triệu đồng, bao gồm gói quà tặng trị giá 15 triệu đồng, một năm bảo hiểm thân vỏ hoặc gói hỗ trợ tài chính lãi suất ưu đãi 8,99% trong 12 tháng đầu…
Kỳ vọng kích cầu
Ông Huỳnh Văn Sang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Toyota Đông Sài Gòn, cho biết hiện nay doanh số bán hàng của các đại lý kinh doanh ô tô đều sụt giảm trên 50%, thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp. Tình hình dự báo còn khó khăn, nên khả năng duy trì sản lượng và doanh số bán hàng khó đạt được đã gây áp lực lên thanh khoản của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô, chi phí tài chính tăng cao.
Theo ông Sang, từ đầu năm đến nay, các mẫu xe có giá trị lớn gần như đứng hình. Các mẫu xe cỡ nhỏ, có giá trị thấp vừa túi tiền với đa số người dân vẫn có khách mua. Do đó, khi chính sách giảm 50% LPTB được ban hành áp dụng từ ngày 1-7 sẽ góp phần tiết kiệm một khoản kha khá cho người mua xe. Chính sách giảm LPTB cũng giúp hỗ trợ các hãng xe, các đại lý kinh doanh ô tô sản xuất trong nước giảm chi phí kích cầu, thu hút khách hàng.
“Nếu như năm 2022 sức mua bị dồn nén do dịch COVID-19, sau khi chính sách giảm LPTB được áp dụng đã giúp thị trường hồi phục, doanh số tăng trở lại. Nhưng năm 2023, bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm nên giảm LPTB cũng khó giúp thị trường tăng trưởng nhanh trở lại. Do đó, các hãng xe và đại lý chắc chắn phải có nhiều ưu đãi hơn nữa mới thu hút người dân mua xe” - ông Sang chia sẻ.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng việc giảm LPTB sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho người mua xe, tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn. Với mức giảm 50% LPTB thì người mua tiết kiệm được vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Bản thân các hãng xe, đại lý cũng tự mình hỗ trợ 100% LPTB cho khách hàng.
Theo đánh giá của ông Thịnh, không chỉ ô tô mà nhiều mặt hàng không thiết yếu đều bị suy giảm sức mua. Để kéo sức mua trở lại, các hãng xe không có giải pháp nào ngoài giảm giá, chiết khấu mạnh mẽ, kết hợp với ngân hàng có gói vay lãi suất hợp lý kích thích tiêu dùng.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng sức mua giảm sút chính là do giá ô tô tại Việt Nam vẫn cao so với thu nhập của đa số người dân. Do đó, để giúp giá xe trong nước giảm cạnh tranh với xe nhập thì thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có lượng phát thải khí CO2 thấp thì đóng mức thuế thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt doanh nghiệp sản xuất ô tô để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh, điều này sẽ giúp cho việc hạ giá thành sản xuất, thúc đẩy thị trường mua bán sôi động, tăng doanh số bán hàng.
Doanh số bán ô tô sụt giảm mạnh
Theo Tổng cục Thống kê, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tháng 5-2023 ước đạt 27.000 chiếc, tăng nhẹ 2,2% so với tháng 4 (26.400 chiếc) nhưng chỉ bằng 67% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung năm tháng đầu năm 2023, tổng lượng ô tô được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 133.600 chiếc, giảm sâu 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Liên quan đến thị trường ô tô, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết tổng lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường tháng 4-2023 chỉ đạt 30.799 chiếc, giảm sâu 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh số bán hàng ô tô trên toàn thị trường bốn tháng đầu năm 2023 đã giảm 30% so với năm 2022.