BHXH Việt Nam vừa có báo cáo đánh giá tác động chính sách đề nghị điều chỉnh cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam ở trung ương và địa phương.
Theo đó, đơn vị này đặt mục tiêu năm 2019 BHXH cấp tỉnh sẽ thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, đồng thời thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy, kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối.
Hiện nay BHXH Việt Nam đang thực hiện lộ trình tinh giản biên chế. Ảnh: VIẾT LONG
Vì vậy, BHXH đề xuất sáp nhập ban sổ - thẻ vào ban thu thành ban quản lý thu và số - thẻ để phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo việc quản lý, giải quyết chế độ chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân theo quy trình khép kín, đơn giản về thủ tục.
Cạnh đó, BHXH cũng đề xuất sát nhập ban dược và vật tư y tế vào ban thực hiện chính sách BHYT để khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa hai ban.
Đặ biệt, với 58 BHXH thành phố, thị xã trực thuộc BHXH cấp tỉnh, BHXH Việt Nam đề xuất cần chuyển giao nhiệm vụ về BHXH tỉnh thực hiện để giảm đầu mối đơn vị, tiết kiệm biên chế.
Riêng năm thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và TP.HCM, nơi có đông dân cư cần giữ ổn định bộ máy để phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Được biết, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Theo đó, giai đoạn 2019-2020, BHXH ở trung ương sắp xếp giảm ít nhất hai đơn vị đầu mối cấp ban trực thuộc. Chuyển đổi một đơn vị sự nghiệp thành “Trung tâm dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng", cơ cấu lại tạp chí BHXH và báo BHXH.
Giai đoạn 2021-2025, giảm 63 đầu mối cấp phòng của 63 BHXH cấp tỉnh. Đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế (khoảng 2.000 người - PV) so với tổng biên chế được giao của BHXH Việt Nam năm 2015.