Tại buổi tọa đàm, BS Phan Văn Hiếu (Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM) cho biết: Rất nhiều vụ án hiện nay có những kết quả giám định không thống nhất, gây lúng túng, khó khăn cho cơ quan tố tụng.
Quy định cơ quan giám định cuối cùng
Theo BS Hiếu, cho đến nay vẫn chưa có quy định là cơ quan nào sẽ là cơ quan giám định cuối cùng trong các vụ án này.
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Long An cũng cho biết không ít trường hợp giám định viên tư pháp phải tham dự phiên tòa để giải thích về kết quả giám định với HĐXX. Bên cạnh đó, nhiều kết luận giám định pháp y tử thi, thương tích lại đóng dấu mật nên rất khó sử dụng vào hoạt động công khai…
Đại diện VKSND TP.HCM đồng tình với các nhận xét trên và đề xuất: “Nên có quy định rõ là cơ quan giám định nào là cơ quan giám định cuối cùng trong trường hợp vụ án có nhiều kết quả giám định khác nhau. Mặt khác, luật cũng cần quy định nếu cơ quan nào giám định không đúng thì phải bồi thường thiệt hại để ràng buộc trách nhiệm với công tác giám định”.
Đại diện VKSND TP.HCM đề xuất nếu giám định sai thì cơ quan giám định phải bồi thường. Ảnh: N.NGA
Công an vừa điều tra vừa giám định, có khách quan?
Theo quy định hiện hành, các trung tâm giám định pháp y của ngành y tế là nơi giám định thương tật, nguyên nhân gây nên tử vong... Việc giám định tại trung tâm pháp y phải có quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tố tụng để phục vụ cho công tác tố tụng. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm, đại diện nhiều trung tâm pháp y cho biết họ đang thiếu việc vì bị các phòng kỹ thuật hình sự của ngành công an… giành hết.
Đại diện Trung tâm Pháp y tỉnh Trà Vinh than thở: “Ba năm qua, chúng tôi chỉ giám định tử thi chưa đầy 10 ca vì Phòng Kỹ thuật hình sự của Công an tỉnh nhận giám định hết. Trước kia chúng tôi còn giám định cả những phạm nhân bị nhiễm HIV chết trong trại giam nhưng nay thì bên công an nói không cần phải giám định nữa. Từ đầu năm 2016 tới nay, chúng tôi không được giám định ca nào liên quan tới tử thi, chỉ khi nào có giám định thương tật thì mới được mời”.
Đại diện một trung tâm pháp y khác cũng chia sẻ: “Trước đây trung bình mỗi năm trung tâm chúng tôi giám định tử thi trên dưới 200 ca, từ năm 2013 tới nay chúng tôi chỉ giám định chưa tới 10 ca. Tôi chỉ muốn có nguyện vọng phân công công việc rõ ràng, giống ở tỉnh Bến Tre quy định tuần này Phòng Kỹ thuật hình sự của công an giám định thì tuần sau tới lượt Trung tâm Pháp y làm”.
Theo BS Trần Anh Tuấn (Viện Pháp y Quốc gia), ở tỉnh Kiên Giang năm 2011 giám định tử thi 400 ca, năm 2012 300 ca nhưng đến năm 2013 chỉ còn 10 ca, năm 2014 24 ca, năm 2015 17 ca, trong khi nhân lực dồi dào. “Nhà nước bỏ chi phí đào tạo mà anh em ngồi đó rất lãng phí nên cần có cơ chế phối hợp với công an tốt hơn. Một số vụ việc liên quan tới công an như phạm nhân chết trong tù mà bộ phận giám định của công an cũng làm là bất cập, trong khi các trung tâm pháp y lại ngồi chơi xơi nước” - BS Tuấn nói.
Trao đổi thêm với PV, phó giám đốc một trung tâm pháp y cho biết: “Ở địa phương chúng tôi, thỉnh thoảng bên công an giám định không ra kết quả là cầm qua hỏi chúng tôi. Lúc đó chúng tôi cũng bó tay vì ngay từ đầu họ đã làm không chặt chẽ”. Còn đại diện một trung tâm pháp y khác bày tỏ lo ngại: “Việc ngành công an vừa điều tra vừa giám định sẽ rất dễ dẫn đến việc kết luận giám định không đảm bảo khách quan”.
Giám định viên pháp y phải chuyên sâu Theo BS Trần Anh Tuấn (Viện Pháp y Quốc gia), đối với lĩnh vực giám định pháp y, Bộ Công an quy định chỉ một giám định viên trong một vụ việc, trong khi Bộ Y tế đòi hỏi phải có hai giám định viên. BS Phan Văn Hiếu (Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM) thì cho biết: “Bộ Y tế quy định đào tạo về pháp y là phải có chuyên sâu 5-10 năm chứ không thể chỉ học vài tháng là ra làm giám định viên. Ở TP.HCM, chúng tôi mỗi khi giám định cần phải có hội đồng gồm ba người mới ra kết quả nhưng tôi thấy nhiều nơi chỉ có một người chịu trách nhiệm, như vậy chưa chắc đã tốt”. |