Chiều 9-10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định thực hiện lệnh bắt tạm giam bốn tháng đối với ông Lê Văn Thiệt, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, trụ sở tại TP Quy Nhơn, Bình Định (Công ty Thương Thảo). Ông Thiệt bị khởi tố để điều tra về tội danh hủy hoại rừng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Định khẳng định: “Cơ quan điều tra đã xác định ông Lê Văn Thiệt là chủ mưu của vụ phá rừng ở huyện An Lão”.
Theo một nguồn tin, qua điều tra ban đầu, công an xác định công ty của ông Thiệt đã thuê nhân công tự mở đường, đưa máy móc, phương tiện vào phá 61 ha rừng tại xã An Hưng, huyện An Lão.
Khi vụ phá rừng bị phát hiện, công an phát hiện tại Nhà máy sản xuất dăm gỗ Trường Sơn (đặt tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) gần 27 m3 gỗ, 28 ster cây rừng. Nhà máy này là của Công ty Thương Thảo. Qua giám định, toàn bộ số gỗ, cây rừng trong nhà máy có nguồn gốc từ khu rừng bị phá tại xã An Hưng.
Các lực lượng chức năng tỉnh Bình Định kiểm tra hiện trường phá rừng tại An Lão. Ảnh: NL
Cơ quan điều tra cũng xác định ngoài việc phá rừng lấy gỗ, Công ty Thương Thảo còn chiếm đất trồng rừng. Liên quan đến vụ phá rừng này, ngày 20-9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam hai người để điều tra về tội hủy hoại rừng, gồm Phan Dễ (57 tuổi), Nguyễn Văn Ri (42 tuổi, cùng ngụ huyện Hoài Nhơn).
Liên quan vụ phá rừng nêu trên, chiều 9-10, tại cuộc họp báo định kỳ, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “UBND tỉnh đã chỉ đạo giám đốc Sở NN&PTNT, UBND huyện An Lão tổ chức kiểm tra, làm rõ trách nhiệm, mức độ vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định pháp luật”.
Cũng tại Bình Định, chiều 9-10, ông Nguyễn Văn Hòa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân (Bình Định), cho biết đơn vị cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại xã Đắk Mang, huyện Hoài Ân. Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân đang làm thủ tục để VKSND huyện Hoài Ân phê chuẩn và chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT công an cùng cấp để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Tại huyện này cũng xảy ra vụ người dân phát trắng hơn 21 ha rừng phòng hộ tại tiểu khu 108, xã Đắk Mang để lấy đất trồng rừng kinh tế. Toàn bộ diện tích rừng bị phá thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân. Ngoài việc khởi tố điều tra, tỉnh cũng lập hội đồng kỷ luật để xem xét xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân và những người liên quan khác.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, đầu tháng 9-2017, người dân phát hiện, báo Trạm Kiểm lâm Hoài Sơn (thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn) hiện tượng nhiều người chặt hạ, phát trắng rừng tại khu vực giáp ranh giữa ba huyện An Lão, Hoài Nhơn (Bình Định), Ba Tơ (Quảng Ngãi). Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc.
Ngày 9-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ những vụ việc phá rừng tự nhiên trên địa bàn xã An Hưng, huyện An Lão, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30-10. |