Giám đốc sở GTVT TP.HCM nói về cải thiện hạ tầng giao thông

(PLO)- Doanh nghiệp nước ngoài phản ánh rằng du khách mất rất nhiều thời gian xếp hàng chờ cất cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất và mong sớm cải thiện tình trạng này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong buổi tọa đàm giữa Lãnh đạo TP.HCM với lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài diễn ra ngày 22-2, giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm đã giải đáp những thắc mắc về phát triển hạ tầng của TP trong thời gian tới.

Xếp hàng ở sân bay Tân Sơn Nhất quá lâu

Ông Alan Kendy, Chủ tịch Hiệp hội Châu âu Eurocham, cho biết hiệp hội đã nhận được phản hồi của du khách về trải nghiệm tại Sân bay Tân Sơn Nhất và cần cải thiện. Họ không hài lòng vì phải xếp hàng chờ cất cánh quá lâu và không có làn riêng cho người đi vé hạng thương gia. Điều này đang cản trở thu hút du khách đến với TP.HCM.

Ông Alan Kendy cũng cho rằng TP có kế hoạch cấm xe máy trong thời gian tới, song hạ tầng và giao thông công cộng chưa kịp phát triển.

Các doanh nghiệp mong cải thiện tình trạng xếp hàng, chờ cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Các doanh nghiệp mong cải thiện tình trạng xếp hàng, chờ cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng cho rằng TP cần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông để phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống, hoạt động kinh doanh. Các khu công nghiệp cần được tiếp cận dễ dàng thông qua đường cao tốc.

Tương tự, một nhà đầu tư đến từ Italy rất kỳ vọng vào metro. Họ cho rằng dù metro có chậm trễ nhưng rất phấn khởi và lạc quan bởi metro sẽ cải thiện giao thông.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng thừa nhận Sân bay Tân Sơn Nhất có một điểm phiền hà rất lớn. TP.HCM đã tích cực làm việc với Bộ GTVT và cũng đã có cải thiện nhất định. Sắp tới, TP sẽ tích cực làm việc với Bộ GTVT đề nghị để TP được tham gia cải thiện. TP đã có kế hoạch làm việc với Bộ GTVT trong quý I-2023 này.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện nay về tình hình tắc nghẽn giao thông trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển đang phải đương đầu. Hiện TP.HCM và Hà Nội không có trong danh sách này.

Cách đây 15 năm, TP.HCM đã có chương trình đột phá để phát triển hạ tầng. Trong đó, TP đã xây dựng hai Đề án để triển khai gồm: Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và Đề án phát triển giao thông công cộng, từng bước hạn chế xe cá nhân. Hiện hai đề án này đang được TP quan tâm và đang triển khai đồng bộ.

Ngoài ra, Sở GTVT TP còn triển khai các giải pháp công trình và phi công trình. TP cũng có những cơ chế tạo nguồn vốn để giao thông phát triển.

Sớm hoàn thiện các tuyến vành đai, hạn chế xe cá nhân

Ông Trần Quang Lâm cho biết TP đang phát triển giao thông nội đô, với nhiều giải pháp để tối ưu hóa giao thông. Hiện TP.HCM là một trong những TP đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin, với trung tâm điều hành giao thông thông minh. Từ trung tâm điều hành này có thể điều khiển đèn tín hiệu theo thời gian và đặt kịch bản theo giờ.

"Từ nay đến 2024, chúng tôi đưa vào khai thác metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), trước 2030 đưa vào metro 2 (Bến Thành - Tham Lương) đưa vào vận hành. Đồng thời, TP cũng sẽ tiến tới cải thiện các nút giao thông hiện hữu và tình trạng lòng đường vỉa hè" - ông Lâm thông tin.

Sở GTVT TP.HCM cho biết trước năm 2023, toàn bộ các tuyến vành đai sẽ được khép kín. Đồ họa: HỒ TRANG.

Sở GTVT TP.HCM cho biết trước năm 2023, toàn bộ các tuyến vành đai sẽ được khép kín. Đồ họa: HỒ TRANG.

Song song, TP cũng sẽ chú trọng phát triển giao thông công cộng, xe đạp công cộng, mạng lưới xe buýt kết nối, metro số 1 và metro số 2 sẽ góp phần cải thiện tình hình giao thông trong nội đô.

Riêng trong nội đô, TP phải phát triển giao thông công cộng. Hiện TP đã có kế hoạch phát triển giao thông công cộng kết hợp với việc hạn chế xe cơ giới cá nhân.

"Chúng tôi đang nghiên cứu đến năm 2030 sẽ cấm xe gắn máy và giao thông công cộng phấn đấu đạt 30%. Lúc này, giao thông công cộng, kết hợp với metro sẽ từng bước hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, lúc đó sẽ có điều kiện phát triển xe điện và xe đạp, tăng cường phát triển giao thông công cộng" - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin.

Về phát triển hạ tầng, TP.HCM thực sự rất quan tâm đặc biệt sau COVID-19. Hạ tầng được xác định là nhóm ưu tiên cần đầu tư, đặc biệt là các cảng biển cũng như hệ thống logistics. Hiện nay, đối với hệ thống cảng thì sân bay Tân Sơn Nhất là nhộn nhịp và có lượng khai thác lớn nhất trong cả nước.

Hiện TP đang phối hợp với Bộ GTVT để mở nhà ga T3 và mở hệ thống giao thông đường bộ kết nối.

Song song, để chuẩn bị phục vụ sân bay Long Thành trong thời gian tới, TP và Bộ GTVT cũng đang phối hợp để tiến tới mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trước mắt, TP sẽ hoàn chỉnh nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức), đẩy nhanh dự án vành đai 3, sớm hoàn thiện cao tốc Bến Lức - Long Thành... từ đó đẩy mảng kết nối vùng.

Đối với các tuyến giao thông liên kết vùng, TP.HCM xác định các tuyến vành đai đến năm 2030 phải khép kín, bao gồm vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4. Trong đó, vành đai 3 phấn đấu khởi công tháng 6-2023, đưa vào khai thác năm 2026; tuyến vành đai 4 hiện đang được phối hợp với các địa phương để triển khai, dự án này chậm hơn một chút, song phấn đấu năm 2027 sẽ hoàn thành.

Đồng thời, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng đang được nghiên cứu, phấn đấu hoàn thành vào năm 2027. Về phía Bình Phước, Bình Dương, TP cũng đang phối hợp để triển khai tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ được hoàn thành. Đồng thời, TP cũng đang làm việc với Bộ GTVT để mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Ngoài ra, ông Lâm cũng cho biết hiện TP đang có nguồn thu từ thu phí hạ tầng cảng biển. Từ đó, có thể sử dụng nguồn thu này, cùng với ngân sách TP để hoàn thiện hạ tầng khu vực cảng biển, đặc biệt là cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước.

TP cũng chú trọng phát triển giao thông thủy, các tuyến đường thủy nội địa - đây là phương án giảm tải cho đường bộ, tạo điều kiện phát triển hàng hóa và logistic.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đang tập trung kết nối giao thông với các địa phương. Trong đó, tập trung triển khai cao tốc TP.HCM - Mộc Bài để kết nối sang Campuchia, mở nhiều điểm kết nối với Long An, Bình Dương và Đồng Nai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm