Giám đốc Sở GTVT TP.HCM: Tới 2025 TP.HCM có 5 tuyến đường thủy

(PLO)- Trong phiên chất vấn Đại biểu HĐND TP.HCM, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cho biết từ nay tới năm 2025, TP sẽ có năm tuyến giao thông thủy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trả lời đại biểu HĐND TP về tiềm năng, lợi thế phát triển giao thông đường thủy, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm nhận định giao thông thủy đóng vai trò lớn với việc chia sẻ hơn 20% lượng hành khách cho giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng giao thông thủy có tiềm năng rất lớn song thực tế chưa khai thác hết tiềm năng, vì vậy cần phải phấn đấu rất nhiều.

Để phát huy tiềm năng trên bến dưới thuyền, TP cần một dòng sông đẹp, bờ sông cũng cần phải chỉnh trang.

TP.HCM có lợi thế về đường thủy nhưng chưa khai thác hết tiềm năng này. Ảnh: Nguyễn Tiến

TP.HCM có lợi thế về đường thủy nhưng chưa khai thác hết tiềm năng này. Ảnh: Nguyễn Tiến

Do đó, Sở GTVT và Sở Du lịch đã họp bàn giải pháp phát triển giao thông thủy. Cụ thể, TP đã lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 có ít nhất năm tuyến giao thông thủy và dọc hai bên bờ sông Sài Gòn cần có thêm khu neo đậu, bến thuyền.

Cũng trong cuộc họp mới đây về dự thảo phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn TP giai đoạn 2023-2025. Sở GTVT TP.HCM đã đưa ra lộ trình phát triển hạ tầng, mở ra nhiều tuyến mới. Các tuyến này đã được Sở GTVT TP phối hợp với các địa phương để tiến hành khảo sát trong thời gian tới.

Dưới đây là năm tuyến đường thủy:

Tuyến Sài Gòn đi Bình Dương, Củ Chi trên sông Sài Gòn: Chiều dài khoảng 79 km, từ Bến Bạch Đằng - TP Thủ Dầu Một, Bình Dương - bến Đình, bến Dược, huyện Củ Chi. Trên tuyến có các bến như Bến Bạch Đằng, bến Bình Hòa, bến Khu dân cư Vạn Phúc (chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng mới), đã được đầu tư xây dựng, đảm bảo an toàn, mỹ quan đang hoạt động khai thác.

Tuyến TP.HCM - Củ Chi sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và khai thác vào năm 2024. Ảnh: ĐT

Tuyến TP.HCM - Củ Chi sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và khai thác vào năm 2024. Ảnh: ĐT

Thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng mới bến Khu Đô thị Vạn Phúc (bên trái của sông Sài Gòn, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, chủ bến là Công ty CP Đầu tư địa ốc Vạn Phúc), Dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Tuyến này cũng sẽ được đầu tư xây dựng mới hai khu neo đậu phương tiện thủy phục vụ du lịch tại bến Đình, bến Dược, dự kiến hoàn thành năm 2024.

Tuyến vận tải hành khách, du lịch từ TP.HCM đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên sông Soài Rạp, vịnh Đồng Tranh, Biển Đông. Tuyến có chiều dài khoảng 225 km, dự kiến xuất phát từ cảng Sài Gòn – Hiệp Phước đến Bến cảng tàu khách Côn Đảo tại Vịnh Côn Sơn, huyện Côn Đảo. Trường hợp nếu xuất phát từ cảng Nhà Rồng tuyến sẽ có chiều dài khoảng 260 km.

Hiện đã có 1 đơn vị đóng tàu để sẵn sàng khai thác tuyến TP.HCM - Côn Đảo vào năm 2024. Ảnh: CTV

Hiện đã có 1 đơn vị đóng tàu để sẵn sàng khai thác tuyến TP.HCM - Côn Đảo vào năm 2024. Ảnh: CTV

Hiện Ban Quản lý Cảng Bến Đầm đã khai thác tiếp nhận thử nghiệm chuyến tàu cao tốc vận chuyển gần 200 hành khách tại Bến cảng tàu khách Côn Đảo (thuộc Vịnh Côn Sơn, huyện Côn Đảo).

Bến cảng này, theo công bố có thể tiếp nhận tàu chở khách có trọng tải đến 398 DWT. Hiện có 1 doanh nghiệp (Công ty CP tàu cao tốc Phú Quốc) đang đóng mới 1 tàu khách 1.100 khách, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2024.

Tuyến phà biển Cần Giờ, TP.HCM - Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang trên sông Đồng Tranh 2, sông Soài Rạp. Tuyến có chiều dài khoảng 12 km, từ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và ngược lại.

Để làm tuyến này, thời gian tới sẽ đầu tư 2 bến, lắp đặt cầu dẫn lựa triều, phao nổi bằng thép, kết nối vào bờ. Đồng thời, đầu tư 2 phà biển có khả năng chở trên 250 hành khách, 100 xe máy và 15 xe ô tô/xe tải. Kinh phí đầu tư ước tính 114 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Tuyến Bạch Đằng đi quận 7 - huyện Nhà Bè: Chiều dài 13 km, từ Bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch ông Lớn - rạch Đỉa đến bến Ngôi Sao Việt. Trên tuyến hiện có bến Ngôi Sao Việt (Phú Mỹ Hưng - quận 7), bến Cù Lao Xanh (Phước Kiển - huyện Nhà Bè) đã được đầu tư xây dựng, đảm bảo an toàn, mỹ quan đang hoạt động khai thác.

Sở GTVT TP cho biết để làm được tuyến này cần đầu tư nâng cấp bến Ngôi Sao Việt. Dự kiến nâng cấp hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2024.

Tuyến đi Thanh Đa, Bình Quới trên sông Sài Gòn: Chiều dài 10 km, từ bến Bạch Đằng - Thanh Đa, Bình Quới, quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức. Trên tuyến có các bến như Bến Bạch Đằng, bến Thảo Điền, bến Tầm Vu, Bình Quới đã được đầu tư xây dựng, đảm bảo an toàn, mỹ quan đang hoạt động khai thác.

Để khai thác tuyến này, dự kiến sẽ đầu tư xây dựng mới bến Bình Quới II. Dự kiến đưa vào sử dụng trong Quý IV-2023.

Song song, các đơn vị sẽ phối hợp đầu tư cải tạo nâng cấp (cầu dẫn, pông – tông) bến Bình Quới I nhằm đáp ứng các tiêu chí bến phục vụ khách du lịch. Dự kiến nâng cấp hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Hiện vận tải hành khách đường thủy trên địa bàn phục vụ khoảng 60 triệu hành khách mỗi năm. TP cũng có các tuyến giao thông thủy đi Vũng Tàu, Bình Dương, các tuyến ngắn và một số tuyến du lịch ven sông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm