Cần 470.533 tỉ đồng đầu tư cảng biển và đường thủy nội địa

(PLO)-  Bộ GTVT cho biết từ nay đến năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường thủy nội địa và hệ thống cảng biển khoảng 470.533 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong văn bản vừa trả lời đại biểu Quốc hội TP.HCM về giải pháp phát huy tiềm năng và lợi thế của đường thủy nội địa, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.200 km, mật độ sông kênh vào loại cao trên thế giới. Tổng chiều dài đường thủy nội địa toàn quốc đang khai thác khoảng trên 17.000 km, với 45 tuyến chính đang khai thác và còn nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.

Phương thức vận tải đường biển có thế mạnh trong vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, cự ly dài với các tuyến đi nội Á (đi Trung Quốc, Singapore, Malaysia…), các tuyến biển xa đến Châu Âu (Hà Lan, Bỉ…) và đến Bắc Mỹ. Đường thủy nội địa với ưu thế giá thành rẻ, lợi thế vận tải các loại hàng có khối lượng lớn, hàng rời trong cự ly trung bình.

Thời điểm trước năm 2010, khai thác vận tải thủy chủ yếu lợi dụng điều kiện tự nhiên, nguồn vốn đầu tư công dành cho đầu tư phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và hàng hải hạn chế. Vốn tư nhân được huy động cho đầu tư đầu tư cảng, bến thủy nội địa rất ít do vận tải đường thủy nội địa chưa hấp dẫn các doanh nghiệp.

Đường thủy nội địa với ưu thế giá thành rẻ, lợi thế vận tải các loại hàng có khối lượng lớn, hàng rời trong cự ly trung bình
Đường thủy nội địa với ưu thế giá thành rẻ, lợi thế vận tải các loại hàng có khối lượng lớn, hàng rời trong cự ly trung bình

Thời gian từ 2010 đến nay, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và hàng hải được chú trọng và từng bước đầu tư theo quy hoạch. Vận tải thủy nội địa có những bước phát triển rất đáng ghi nhận, tạo được một số đột phá.

Hiện thị phần luân chuyển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa đạt 17,83%, hành khách đạt 5,03% toàn ngành. Vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long với lợi thế vận tải thủy nên thị phần luân chuyển hàng hóa các vùng này chiếm tỉ lệ khá cao, lần lượt là 45%, 47,5% và 79,7%. Riêng khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải trên 80% lượng hàng hóa thông qua cảng được gom và rút hàng bằng đường thủy nội địa.

Mặc dù đạt được kết quả trên, ông Thắng nhìn nhận so với tiềm năng và lợi thế vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu do đường thủy nội địa vẫn chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với vai trò trong hệ thống giao thông vận tải cả nước. Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và hàng hải mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư, chưa đầu tư đồng bộ giữa tuyến luồng và cải tạo tĩnh không các cầu.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ GTVT cho biết sắp tới sẽ triển khai đồng thời 5 quy hoạch ngành (đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải) theo hướng tích hợp, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối giữa các chuyên ngành và khắc phục hạn chế của các quy hoạch trước đây. Trong đó, cảng biển được ưu tiên là vị trí trung tâm, kết nối là đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt; đã bố trí các cảng cạn để hỗ trợ để gom, rút hàng container trong nội địa, trở thành “cánh tay nối dài” của cảng biển.

Bộ cũng đa dạng hóa thu hút nguồn lực đầu tư, đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng, nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư bến cảng với phương châm “vốn nhà nước chỉ là vốn mồi".

Theo đó, giai đoạn 2021-2030, sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường thủy nội địa khoảng 157.533 tỉ đồng, dự kiến huy động ngoài ngân sách khoảng 128.614 tỉ đồng (chiếm 82%). Sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển khoảng 313.000 tỉ đồng, dự kiến huy động ngoài ngân sách khoảng 297.350 tỉ đồng (chiếm 95%).

“Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương xây dựng danh mục, thứ tự ưu tiên các dự án để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư…”- Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm