“Một trong những giải pháp được xem là then chốt, có thể giải quyết dứt điểm tình trạng trễ hạn là ủy quyền cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tại 24 quận, huyện được ký cấp giấy và trả hồ sơ cho dân, thay vì dồn về VPĐKĐĐ TP như hiện nay”.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCMsau bài phản ánh“TP.HCM: Hồ sơ nhà, đất vẫn điệp khúc trễ hẹn” (đăng ngày 4-5).
Hàng chục ngàn hồ sơ trễ hạn
. Phóng viên: hơn bốn năm kể từ thời điểm thành lập VPĐKĐĐ một cấp (ngày 1-7-2015), câu chuyện trễ hạn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) vẫn là một tồn đọng trong ngành TN&MT mà đến nay chưa giải quyết được. Ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng này?
+ Ông Nguyễn Toàn Thắng: Năm 2015, khi VPĐKĐĐ dồn về một cấp thì tất cả trường hợp cấp mới, cập nhật GCN đều tập trung về Sở TN&MT ký. Lúc đó, hầu hết người dân đều chọn hình thức cấp mới GCN thay vì cập nhật lên trang 3, 4. Điều này đã gây ra ách tắc và quá tải, khiến tình trạng chậm trễ hồ sơ lên đến 80%.
Năm 2017, Sở TN&MT được phép ủy quyền cho VPĐKĐĐ TP ký xác nhận trên GCN cũ đối với trường hợp chứng nhận bổ sung tài sản gắn liền với đất và ký cấp GCN. Cụ thể, trước đây là ba bước: Chi nhánh tiếp nhận hồ sơ, thụ lý, trình VPĐKĐĐ TP kiểm tra, trình ban giám đốc sở ký GCN và chuyển ngược về chi nhánh trả cho dân, thời gian giải quyết 15 ngày.
Với việc ủy quyền đã giảm được một bước luân chuyển hồ sơ và ủy quyền xuống một cấp, theo đó hồ sơ không phải trình ban giám đốc sở ký nữa mà VPĐKĐĐ TP ký, rút ngắn thời gian giải quyết xuống còn 10 ngày.
Cùng với đó, sở và toàn hệ thống chi nhánh đã có các giải pháp như: Vận động người dân cập nhật lên trang 3, 4 của GCN thay vì cấp mới; ký hợp đồng với bưu điện trong việc vận chuyển hồ sơ thì tình trạng trễ hạn kéo giảm xuống 70%, 60%, rồi 10%. Hiện nay, tỉ lệ trễ hạn đã giảm xuống dưới 10%.
Chỉ tính riêng năm 2019, tổng số hồ sơ tiếp nhận là hơn 700.000. Trong đó có khoảng hơn 52.000 hồ sơ trễ hạn (tỉ lệ hơn 7,4%), chủ yếu là dạng cấp mới GCN.
sẽ ủy quyền cho 24 chi nhánh được ký giấy chứng nhận
. với tỉ lệ 95% hồ sơ giải quyết đúng hạn là một sự nỗ lực rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, hơn 7% hồ sơ trễ hạn nhìn thì ít nhưng so với lượng hồ sơ cấp GCN khổng lồ hiện nay thì con số này là không nhỏ. Theo ông, vướng mắc chính nằm ở đâu?
+ Thứ nhất, khối lượng hồ sơ đăng ký biến động và cấp GCN tại TP.HCM hiện nay rất lớn và tăng dần theo thời gian. Cụ thể, qua hơn bốn năm thành lập VPĐKĐĐ một cấp và chuyển thẩm quyền về cho Sở TN&MT, công tác đăng ký và cấp GCN đạt gần 2,5 triệu hồ sơ các loại. Số lượng hồ sơ các năm đều tăng lên: Hơn 515.000 hồ sơ năm 2016, hơn 646.000 hồ sơ năm 2017, hơn 620.000 hồ sơ năm 2019. Mới hai tháng đầu năm 2020, chúng tôi đã tiếp nhận gần 95.000 hồ sơ.
Người dân giao dịch tại bộ phận một cửa UBND quận 12. Ảnh: VIỆT HOA
Tuy hồ sơ tăng nhưng thời gian giải quyết theo quy định hiện hành là giảm khoảng 30% so với trước đây. Nếu như trước đây, cùng một việc ký GCN được thực hiện tại 24 đầu mối là 24 quận, huyện thì nay chỉ tập trung một đầu mối chỉ 1-2 người ký nên đã dẫn đến tình trạng trễ hạn hồ sơ như hiện nay.
Nguyên nhân thứ hai là do công tác phối hợp. TP đã ban hành quy trình nội bộ về giải quyết thủ tục hành chính cho toàn hệ thống VPĐKĐĐ. Trong đó đã quy định rõ thời hạn giải quyết từng khâu, từng giai đoạn cho đến từng loại thủ tục. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan như cấp UBND xã, cơ quan thuế, cơ quan cấp phép xây dựng… chưa đúng thời gian. Mặt khác, các chi nhánh VPĐKĐĐ quận, huyện còn chưa phát huy vai trò chủ động, đeo bám, đôn đốc, nhắc nhở.
Thứ ba, có sự mâu thuẫn, bất cập trong quy định của Luật Đất đai và các luật khác. Ngoài ra, hiện nay khối lượng công việc rất nhiều nhưng nhân sự ít. Toàn hệ thống VPĐKĐĐ có tổng cộng hơn 1.200 nhân sự. Tuy nhiên, hiện chỉ có 483 nhân sự viên chức được giao nhiệm vụ thụ lý hồ sơ, còn lại là nhân viên hợp đồng.
. Như ông đã nói, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trễ hạn hồ sơ cấp GCN. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chi nhánh, giải pháp mấu chốt để giải quyết dứt điểm tình trạng này là ủy quyền cho các chi nhánh được ký cấp GCN. Quan điểm của ông như thế nào?
+ Đúng thế. Đánh giá đây chính là nguyên nhân mấu chốt nên tháng 3-2020, Sở TN&MT đã có tờ trình gửi UBND TP kiến nghị TP cho phép sở ủy quyền cho các chi nhánh VPĐKĐĐ ký GCN và trả cho dân.
Trong buổi làm việc với Sở TN&MT mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã chấp thuận chủ trương này. Sau khi TP có văn bản, chúng tôi sẽ cho triển khai ngay trong toàn hệ thống VPĐKĐĐ.
Cùng với đó, sở cũng đã kiến nghị TP nâng cấp lại cơ sở vật chất, máy móc để phục vụ tốt hơn cho công tác cấp GCN. Bên cạnh đó, về lâu dài, kiến nghị bộ, ngành và UBND TP chấp thuận triển khai dự án thực hiện theo mô hình, thiết kế tương tự phần mềm HCMLIS đã triển khai thí điểm tại chi nhánh quận 1 và quận 12 và dự án hệ thống cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ xử lý thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai với dự toán gần 300 tỉ đồng. Hiện nay, TP đã đồng ý ghi vốn để thực hiện dự án này. Với các giải pháp này, chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng trễ hạn hồ sơ như hiện nay.
. Xin cám ơn ông.
Năm 2019: Hơn 52.000 hồ sơ trễ hạn Theo số liệu từ Sở TN&MT tp.hcm, trong hai quý I và II-2019, toàn hệ thống VPĐKĐĐ TP tiếp nhận khoảng 380.000 hồ sơ. Trong đó đã giải quyết hơn 340.000 hồ sơ, tỉ lệ giải quyết đúng hạn chiếm 90%, còn hơn 34.000 hồ sơ bị trễ hạn, tập trung chủ yếu ở cấp mới GCN. Hai quý III, IV: Nhận hơn 367.000 hồ sơ, giải quyết đúng hạn hơn 328.000 hồ sơ, tỉ lệ hơn 94%. Còn hơn 18.500 hồ sơ trễ hạn, chiếm tỉ lệ 5,4%. Riêng hai tháng đầu năm 2020, sở tiếp nhận hơn 94.000 hồ sơ. Giải quyết đúng hạn hơn 72.000 hồ sơ, trễ hạn gần 4.500 hồ sơ, chiếm tỉ lệ 5,8%. |