Theo thống kê của Sở TN&MT, trung bình mỗi tháng cơ quan này ký khoảng 50.000-60.000 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận). Lượng hồ sơ thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký đất đai TP (VPĐKĐĐTP) ký vẫn thường xuyên bị trễ hạn.
Nộp hồ sơ nhiều tháng vẫn chưa có kết quả
Ngày 21-10-2019, bà LTKN, ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, nộp hồ sơ làm thủ tục tách thửa và được hẹn trả kết quả vào ngày 25-11-2019. Tuy nhiên, đến nay đã năm tháng nhưng hồ sơ của bà vẫn chưa được giải quyết.
Bà N. nhiều lần liên hệ bộ phận trả hồ sơ để hỏi tiến độ giải quyết hồ sơ nhưng đều được hứa khi nào có kết quả sẽ thông báo. Các ngày 17, 21, 31-3-2020, bà N. đã vào phần mềm Hóc Môn trực tuyến để hỏi về hồ sơ của mình. “Đã năm tháng rồi nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Cho hỏi đến lúc nào giải quyết cho chúng tôi, có khi nào hồ sơ trễ đến năm tháng vậy không?” - bà N. viết.
Trả lời bà N., ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Hóc Môn cho biết cơ quan này đã tham mưu, trình hồ sơ của bà đến Sở TN&MT. “Sau khi có kết quả giải quyết hồ sơ của bà, Chi nhánh huyện Hóc Môn sẽ thông báo để bà được biết” - ông Tuấn trả lời trên phần mềm Hóc Môn trực tuyến.
Trường hợp ông LNT ở xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn xây xong căn nhà tại xã Tân Thới Nhì vào cuối năm 2019. Ngày 20-1-2020, ông T. nộp hồ sơ đăng ký thay đổi đối với tài sản gắn liền với đất tại bộ phận một cửa của huyện Hóc Môn và được hẹn trả kết quả vào ngày 12-2. Tuy nhiên, đến nay hồ sơ của ông vẫn chưa được trả về.
Tương tự, bà TTTN nộp hồ sơ đăng ký biến động cập nhật giấy chứng nhận từ ngày 20-12-2019. Đến nay, bà N. vẫn chưa nhận được kết quả.
Các trường hợp trên, sau khi chờ quá lâu mà không nhận được kết quả đã phản ánh lên phần mềm Hóc Môn trực tuyến. Trả lời cho các thắc mắc này, ông Đặng Anh Tuấn khẳng định đã trình hồ sơ lên Sở TN&MT ký. Trong phần trả lời, Chi nhánh VPĐKĐĐ cũng không biết được thời hạn cụ thể khi nào sẽ có kết quả trả về cho dân mà chỉ có thể nói “khi có thông tin sẽ thông báo để người dân đến nhận”.
Người dân thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận tại bộ phận một cửa huyện Bình Chánh. Ảnh: VIỆT HOA
Hồ sơ chuyển về sở là trễ hạn
Không chỉ riêng tại Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Hóc Môn, theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền của VPĐKĐĐTP ký đa phần đều trễ hạn. Trao đổi với PV, các chi nhánh tại 24 quận, huyện đều cho biết bình quân các hồ sơ trễ hạn khoảng 1-2 tháng, thậm chí có nhiều trường hợp lâu hơn nữa.
Tại một buổi giám sát của HĐND TP với Sở TN&MT và các đơn vị có liên quan hồi đầu tháng 3-2020 về tình hình giải quyết hồ sơ tại Sở TN&MT, các chi nhánh VPĐKĐĐ cũng đã nêu lên tình trạng chậm trễ hồ sơ cấp giấy chứng nhận. Tại buổi giám sát này, ông Nguyễn Văn Thuyết, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Bình, cho biết hầu hết hồ sơ phải chuyển về sở ký đều trễ hạn.
Theo ông Thuyết, việc tiếp nhận hồ sơ của người dân, xem xét, xử lý để trình lên VPĐKĐĐTP ký luôn đảm bảo thời gian theo quy định. Tuy nhiên, khâu chuyển lên VPĐKĐĐTP ký và trả về thường không đảm bảo thời gian, dẫn đến chậm trễ. “Giải pháp theo tôi, hoặc ủy quyền cho chi nhánh được ký giấy chứng nhận, hoặc phải bổ sung thêm nhân sự ký giấy cho VPĐKĐĐTP. Nếu không làm vậy, sẽ rất khó khắc phục tình trạng chậm trễ hồ sơ như hiện nay” - ông Thuyết kiến nghị tại cuộc họp.
Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận ý kiến của các chi nhánh VPĐKĐĐ các quận, huyện thì đây cũng là tình trạng chung.
Ông Lê Xuân Tùng, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Thủ Đức, thông tin cũng tương tự như các nơi khác, gần như tất cả hồ sơ phải chuyển lên VPĐKĐĐTP ký thì đều trễ hạn.
Ông Tùng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến hồ sơ bị ách lại là do thời gian quy định tại bộ thủ tục hành chính có sự bất cập. Cụ thể, tại Quyết định 1774/2018 của UBND TP về bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Sở TN&MT chỉ tính thời gian thụ lý hồ sơ mà không tính thời gian luân chuyển trong nội bộ.
Theo ông Tùng, thời gian để thụ lý hồ sơ từ các chi nhánh là không trễ nhưng rất mất thời gian ở khâu vận chuyển hồ sơ từ chi nhánh đến sở. Đường đi của hồ sơ sau khi rời chi nhánh sẽ chuyển qua bưu điện đến sở. Sau đó sẽ qua các bộ phận như văn thư, kiểm soát thủ tục hành chính rồi mới tới lãnh đạo ký. Ký xong, VPĐKĐĐTP tiếp tục gửi bưu điện chuyển về cho chi nhánh để trả lại cho dân. “Đây là khâu mất rất nhiều thời gian nhưng lại không được tính vào thời gian thụ lý” - ông Tùng nói.
Kiến nghị ủy quyền cho các chi nhánh được ký giấy
Theo ông Nguyễn Lê Tuân, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Bình Chánh, trung bình mỗi năm cơ quan này nhận khoảng 40.000-50.000 hồ sơ cấp giấy chứng nhận. Trong đó, hồ sơ thuộc thẩm quyền của VPĐKĐĐTP ký chiếm khoảng 10%-15%. Ông Tuân cũng cho biết các hồ sơ chuyển về sở ký đều không kịp trả về theo đúng phiếu hẹn với người dân.
Ông Tuân cho rằng điểm vướng mấu chốt vẫn là thẩm quyền ký giấy chứng nhận. “Với quy định về mặt thời gian như quy định hiện nay, các hồ sơ phải chuyển lên Sở TN&MT ký chắc chắn là không thể đúng hạn” - ông Tuân nói.
Một giải pháp mà theo ông Tuân có thể giải quyết dứt điểm tình trạng trễ hạn hồ sơ là ủy quyền cho các chi nhánh được ký giấy thay vì sở ký như hiện nay. “Các hồ sơ dù trình lên VPĐKĐĐTP ký, trả về liền thì cũng không thể nào kịp so với thời gian quy định. Chẳng hạn, với hồ sơ cấp đổi có thời gian là bảy ngày. Khi nhận hồ sơ xong, chi nhánh kiểm tra, thụ lý sau đó gửi bưu điện chuyển lên sở mất khoảng năm ngày. Đến VPĐKĐĐTP, khâu tiếp nhận, luân chuyển trong nội bộ, ký giấy, đóng dấu và chuyển về cho chi nhánh có làm nhanh lắm cũng không thể nào kịp để trả về đúng hạn” - ông Tuân phân tích.
Kiến nghị của ông Tuân cũng chính là kiến nghị chung của các chi nhánh VPĐKĐĐ hiện nay. Được biết năm 2019, Sở TN&MT đã từng kiến nghị UBND TP theo hướng này. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này vẫn chưa chính thức được TP thông qua.