UBND TP vừa đồng ý phân cấp cho giám đốc Sở TN&MT được ủy quyền cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận/huyện (chi nhánh VPĐKĐĐ) ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (giấy chứng nhận (GCN) gọi chung là sổ đỏ). Việc này nhằm sớm giải quyết hơn 40.000 sổ đỏ đang bị trễ hạn.
Pháp Luật TP.HCM, có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng (ảnh), Giám đốc Sở TN&MT, về vấn đề nóng này.
Trễ hạn ở khâu cấp mới sổ đỏ
. Phóng viên: Theo báo cáo của Sở TN&MT, trong sáu tháng đầu năm 2019 có tới 10% hồ sơ cấp mới sổ đỏ bị trễ hạn. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Toàn Thắng: Trong quý I, II của năm 2019, toàn hệ thống VPĐKĐĐ TP tiếp nhận khoảng 380.000 hồ sơ. Trong đó, đã giải quyết hơn 340.000 hồ sơ, tỉ lệ giải quyết đúng hạn chiếm 90%. Hiện vẫn còn hơn 34.000 hồ sơ bị trễ hạn, tập trung chủ yếu ở cấp mới GCN.
Theo quy định, hồ sơ nhà đất của hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện chuyển quyền (sử dụng/sở hữu) và nhận chuyển quyền mà muốn cấp mới, cấp đổi hoặc cấp lại GCN thì thời gian thực hiện rất ngắn. Tuy nhiên, do quy trình phải chuyển hồ sơ qua nhiều cơ quan, đơn vị nên dẫn đến mất rất nhiều thời gian.
Cụ thể, các loại hồ sơ này hiện nay thẩm quyền ký cấp GCN là của VPĐKĐĐ TP (thuộc Sở TN&MT). Do đó các chi nhánh khi nhận hồ sơ thụ lý xong phải đóng gói, gửi bưu điện chuyển đến VPĐKĐĐ TP xem xét và ký giấy. Đa số hồ sơ phải gửi bưu điện đều trễ hạn. Trong sáu tháng đầu năm có hơn 23.000 hồ sơ dạng này bị trễ hạn, tính cả năm thì có hơn 40.000 hồ sơ như vậy.
Còn đối với hồ sơ đăng ký biến động mà chỉ cập nhật thông tin lên trang 3-4 của GCN thì hầu như giải quyết đúng hạn.
. Thưa ông, có thông tin tỉ lệ hồ sơ cấp GCN bị chậm trễ đã kéo dài nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu kéo giảm?
+ Năm 2015, khi VPĐKĐĐ dồn về một cấp thì tất cả trường hợp cấp mới, cập nhật GCN đều tập trung về Sở TN&MT ký. Điều này đã gây ra ách tắc và quá tải khiến tình trạng chậm trễ hồ sơ lên đến 80%. Sau đó, chúng tôi ký hợp đồng với bưu điện và Sở TN&MT được phép ủy quyền cho chi nhánh VPĐKĐĐ quận/huyện được giải quyết hồ sơ cập nhật biến động thì lượng hồ sơ trễ hạn giảm xuống còn 70%, 60%, rồi 10%. Con số 10% hồ sơ cấp mới GCN không kéo giảm qua nhiều năm vì hồ sơ vẫn phải luân chuyển, thủ tục thuế, phí vẫn theo phương thức giao dịch trực tiếp nên mất rất nhiều thời gian.
. Vậy có giải pháp nào để giải quyết tình trạng chậm, trễ trên?
+ Trong sáu tháng đầu năm 2019, riêng trường hợp cấp mới GCN có tới hơn 23.000 hồ sơ trễ hẹn, chiếm khoảng 60% tổng số hồ sơ cấp giấy trễ hạn. Hiện Sở TN&MT đang thực hiện hai nhóm giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng trễ hạn hồ sơ cấp GCN trên toàn TP. Thứ nhất là sau khi được UBND TP phân cấp, Sở TN&MT được và sẽ ủy quyền cho giám đốc chi nhánh VPĐKĐĐ quận, huyện được ký GCN. Nhóm thứ hai là ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ.
Hơn một năm nay, người dân muốn làm thủ tục đăng ký biến động nhà, đất tại quận 12 chỉ phải đi hai lần thay vì chín lần như trước nhờ có chương trình liên thông điện tử. Ảnh: VIỆT HOA
Liên thông điện tử: Dân khỏe, cán bộ bớt tiêu cực
. Hiện nay, quận 12 đang áp dụng thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin liên thông thuế để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cấp GCN. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
+ Trước đây, để làm xong một bộ hồ sơ cấp GCN, người dân phải trải qua ít nhất là chín lần đi tới bốn cơ quan: Đầu tiên là lên liên hệ UBND phường để xác nhận vị trí đất. Sau đó lên quận/huyện nộp hồ sơ và nhận phiếu hẹn. Đến ngày hẹn, phải trở lại quận/huyện cầm phiếu thông tin địa chính đến cơ quan thuế rồi về chờ. Đến khi cơ quan thuế ra được thông báo thuế thì tiếp tục phải đến chi cục thuế cầm thông báo thuế ra ngân hàng hoặc kho bạc để đóng tiền. Sau đó lại phải quay về chi cục thuế để làm thủ tục xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Cuối cùng phải cầm tờ xác nhận đã đóng tiền của cơ quan thuế quay trở lại quận/huyện để nhận GCN.
Tuy nhiên, khi có chương trình liên thông thuế điện tử thì người dân không phải đi nữa mà cơ quan nhà nước sẽ phối hợp thực hiện. Như vậy, người dân chỉ còn đi hai bước là liên hệ UBND phường xác nhận vị trí, đến quận nộp hồ sơ, chờ/đi đóng tiền và nhận kết quả.
. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả trong suốt một năm thực hiện thí điểm?
+ Việc liên thông thuế đã giúp người dân không phải đi lại nhiều cơ quan, cũng không phải tiếp xúc nhiều với cán bộ, có thể giảm được tiêu cực. Đặc biệt là có thể giúp cho việc giải quyết hồ sơ đúng hạn.
Đối với các cơ quan phối hợp thực hiện thì sẽ rút ngắn được quy trình, giảm được thời gian luân chuyển hồ sơ. Trước đây không xác định được thời gian cụ thể ở mỗi đơn vị, nay được khép kín trong quy trình giải quyết hồ sơ không quá năm ngày. Bên cạnh đó giảm được nhân sự thực hiện hồ sơ, thay vì ba lãnh đạo, 12 cán bộ thực hiện thì liên thông chỉ còn một lãnh đạo và một cán bộ thụ lý.
. Sau thí điểm, việc liên thông giải quyết cấp GCN sẽ được mở rộng như thế nào, thưa ông?
+ Kết quả từ thí điểm đã làm cơ sở cho Sở TN&MT tự tin xác định đây là một trong hai nhóm giải pháp nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cấp GCN. Tới đây, Sở sẽ có tổng hợp, báo cáo xin ý kiến của cấp trên để nhân rộng. Cụ thể, từ thực hiện thí điểm thành công tại Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12 và đã mở rộng sang quận 1. Tiếp theo, trong tháng 9 tới dự kiến sẽ tiếp tục triển khai với tám chi nhánh VPĐKĐĐ các quận 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Đến năm 2020, dự kiến sẽ mở rộng đồng bộ trên toàn hệ thống VPĐKĐĐ TP.
3 tỉ đồng là số tiền tiết kiệm được mỗi năm khi các chi nhánh VPĐKĐĐ được cấp GCN do không phải trả chi phí chuyển hồ sơ qua bưu điện nữa. Từ khi thành lập VPĐKĐĐ một cấp (năm 2015) đến nay, riêng tiền vận chuyển ký kết với bưu điện đã lên đến khoảng 10 tỉ đồng. |
Chi nhánh được ký cấp, hồ sơ hết trễ hạn
. Ông cho rằng nguyên nhân chính của hồ sơ trễ hạn là vướng thẩm quyền ký cấp giấy. Vậy sau khi được UBND TP chấp thuận cho giám đốc Sở TN&MT được ủy quyền cho chi nhánh VPĐKĐĐ quận/huyện ký cấp GCN. Vậy bao giờ việc ủy quyền sẽ được triển khai xuống các chi nhánh, thưa ông?
+ Trước đây TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị về phân cấp, ủy quyền trong ký cấp GCN nhưng chưa được trung ương chấp thuận. Nay vấn đề này đã được trung ương đồng ý để TP phân cấp cho Sở TN&MT ủy quyền cho giám đốc chi nhánh VPĐKĐĐ quận/huyện được ký GCN. Từ đó Sở TN&MT đã có tờ trình UBND TP xem xét và đã được TP đã chấp thuận thông qua. Sở sẽ triển khai ngay trong tháng 8 để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ của người dân.
. Thời gian cụ thể giải quyết hồ sơ, ký cấp GCN cho dân tới đây sẽ như thế nào, thưa ông?
+ Theo quy trình hiện nay, việc giải quyết hồ sơ mất rất nhiều thời gian do việc luân chuyển hồ sơ. Cụ thể, hồ sơ do các chi nhánh tiếp nhận, kiểm tra, thụ lý → chuyển bưu điện vận chuyển → đến VPĐKĐĐ TP kiểm tra, ban giám đốc ký GCN → chuyển lại bưu điện vận chuyển → về lại các chi nhánh kiểm tra nghĩa vụ tài chính và phát hành GCN. Thời gian trung bình cho mỗi hồ sơ là 30 đến 60 ngày.
Với việc ủy quyền, tới đây sẽ rút ngắn khoảng 10 ngày giải quyết hồ sơ, giảm áp lực hồ sơ chuyển về VPĐKĐĐ TP. Đảm bảo giải quyết 40.000 hồ sơ trễ hạn mỗi năm.
Các chi nhánh được quyền ký cấp GCN thì chắc chắn là tỉ lệ hồ sơ trễ hạn sẽ kéo giảm mạnh. Cùng với đó, chúng tôi đang áp dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ để hướng đến việc chấp dứt tình trạng trễ hạn hồ sơ như hiện nay.
Làm giấy đỏ trên môi trường điện tử Hiện nay Sở TN&MT đang tiến hành thí điểm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin là ứng dụng phần mềm HCM.Lis để tác nghiệp, giải quyết hồ sơ, chia sẻ cơ sở dữ liệu. Thay vì thao tác trên giấy như hiện nay thì quá trình tiếp nhận, luân chuyển, xử lý, ký duyệt hồ sơ đều được thực hiện trên môi trường điện tử. Sau khi hoàn tất các công đoạn thì sẽ in GCN trình cấp có thẩm quyền ký để trả cho dân. Đây là một bước cải tiến lớn, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc mà còn minh bạch thông tin. |