Hôm nay (20-8), Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tại TP.HCM thực hiện kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT- BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC (quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng) tại TAND TP Thủ Đức và công an TP Thủ Đức.
Đoàn kiểm tra có ông Huỳnh Văn Hạnh (Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM), ông Nguyễn Văn Vũ (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM), ông Huỳnh Tấn Đạt (Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP.HCM)...
Trước đó, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tại TP.HCM đã kiểm tra tại Trại tạm giam T30 (công an TP.HCM), công an và TAND huyện Củ Chi, công an và TAND quận 4.
Nhiều cách thức triển khai về TGPL
Tại công an TP Thủ Đức, Thượng tá Phạm Ngọc Anh (Phó trưởng công an TP Thủ Đức) báo cáo về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC tại các cơ quan trên địa bàn TP Thủ Đức năm 2024.
Theo ông Anh, về kết quả đạt được, tổng số vụ việc được giải thích, thông báo, thông tin về TGPL là 623 vụ việc (1218 trường hợp được giải thích). Tổng số vụ việc gửi thông báo, thông tin gửi về Trung tâm TGPL Nhà nước TP. HCM 27 vụ việc (31 trường hợp gửi thông báo). Không có vụ việc có yêu cầu TGPL gửi về Trung tâm nhưng không được Trung tâm cử người...
Đồng thời, công an TP Thủ Đức đã niêm yết và đặt bảng thông tin TGPL tại nơi tiếp công dân thuộc trụ sở cơ quan CSĐT và nhà tạm giữ công an TP Thủ Đức.
Tại cơ quan CSĐT, tờ thông tin về TGPL được niêm yết tại các phòng làm việc của cán bộ chiến sĩ. Khi tiếp công dân, bộ phận trực ban hướng dẫn pháp luật, tuyên truyền Luật TGPL để người dân nắm được. Đối với nhà tạm giữ, tờ thông tin về TGPL được niêm yết trước cửa từng buồng tạm giữ, tạm giam và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, người bị tạm giam như hành lang trong khu giam, phòng thăm gặp và sân tắm nắng...
Trong năm, công an TP Thủ Đức đã triển khai bảng thông tin về người được TGPL đến công an 34 phường trên địa bàn TP Thủ Đức...
Tìm hiểu về trợ giúp pháp lý bằng việc quét mã QR tại tòa
Tại buổi này, đại diện TAND TP Thủ Đức cho biết tờ thông tin, hộp tin TGPL, mẫu đơn yêu cầu TGPL, danh sách người thực hiện TGPL của Trung tâm TGPL, bản thông tin...đều được niêm yết công khai tại bảng tin cơ quan và có các bản giấy tại điểm tiếp dân.
Ngoài ra, TAND TP Thủ Đức còn ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác triển khai thông tin, văn bản về TGPL. Khi người dân cần tìm hiểu về TGPL chỉ cần quét mã QR sẽ có đường dẫn đến trang web của Trung tâm TGPL TP.HCM và các tài liệu liên quan như: bản thông tin về người được TGPL, mẫu đơn yêu cầu TGPL, danh sách người thực hiện TGPL. Đảm bảo 100% các vụ việc khi người dân nộp hồ sơ khởi kiện tại tòa án đều được đọc bản thông tin về người TGPL và lập biên bản giải thích về quyền được TGPL miễn phí của người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được TGPL.
Đối với các vụ án hình sự, TAND TP Thủ Đức luôn tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ, tiếp xúc với đối tượng TGPL. Các quan điểm bào chữa, bảo vệ và những đề xuất của trợ giúp viên pháp lý...cũng đã được ghi nhận trong các bản án, phán quyết của tòa.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như một số người dân chưa hiểu hoặc không hiểu đúng về TGPL nên họ không yêu cầu TGPL dù đã được hướng dẫn. Các cán bộ thực hiện công tác tiếp dân không được tập huấn về TGPL...
Từ đó, TAND TP Thủ Đức đề xuất nên tổ chức các buổi tuyên truyền, các lớp tập huấn về TGPL cho các cơ quan tố tụng như công an, VKS, tòa án... Đặt bàn tư vấn TGPL, cử cán bộ của Trung tâm xuống trực tiếp hướng dẫn người dân.
Ông Huỳnh Văn Hạnh (Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) biểu dương khi các đơn vị có quan tâm về công tác TGPL; đã hướng dẫn, giải thích cho người dân về TGPL; niêm yết và đặt bảng thông tin TGPL tại trụ sở; tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng...
Cũng theo ông Hạnh, mục đích của TGPL là hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, đây là mục đích nhân đạo là rất tốt. Ông Hạnh cũng rất ấn tượng và ủng hộ đối với việc tòa án xét xử các bị cáo là người chưa thành niên tại phòng xét xử riêng. Vì đây là đối tượng rất đặc biệt, việc xét xử tại phòng xử riêng sẽ giúp cho nhóm đối tượng này không bị những ảnh hưởng tâm lý về sau.
Cũng theo ông Hạnh, qua quá trình kiểm tra nhận thấy tuy mục đích tốt, phương pháp tương đối, số lượng vụ việc rất lớn nhưng số lượng đương sự nhờ TGPL lại rất nhỏ. Nguyên nhân có thể là do nhiều người dân còn chưa biết đến hoạt động TGPL, sự tuyên truyền phổ biến về TGPL chưa hiệu quả...Vì vậy, theo ông Hạnh, cần phối hợp và tăng cường công tác tuyên truyền về TGPL tại TP Thủ Đức và các quận, huyện.
Sau đó, đoàn đã kiểm tra trực tiếp tại TAND TP Thủ Đức và nhà tạm giữ TP Thủ Đức.
Đặt bàn tư vấn tại các tòa
Sau khi kiểm tra, ông Huỳnh Tấn Đạt (Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP.HCM) lưu ý rằng ở bất cứ giai đoạn nào, nếu thuộc trường hợp TGPL đề nghị công an (vụ án hình sự) và tòa án (các vụ án hình sự, dân sự, hành chính…trừ kinh doanh thương mại) thì phải giải thích rõ quyền về TGPL cho họ. Nếu thuộc diện TGPL mà chưa có yêu cầu thì thông tin về Trung tâm, nếu thuộc diện TGPL mà có yêu cầu thì gửi thông báo để Trung tâm cử người TGPL.
Ông Đạt cũng thông tin hiện nay Trung tâm đặt đã bàn trực TGPL tại TAND quận 5, TAND quận 10. Sau khi có đầy đủ các điều kiện sẽ tiến hành đặt bàn trực tư vấn TGPL tại các tòa án khác trên địa bàn TP. Trung tâm cũng cung cấp số điện thoại 028.627.09192 để các tòa án khác thông tin vụ việc được TGPL khi người thuộc diện TGPL có yêu cầu.