Giảm đóng BHXH còn 15 năm kỳ vọng hơn 40.000 người không chốt đóng mỗi năm

(PLO)- Luật BHXH sửa đổi dự kiến giảm mức đóng tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm nên được kỳ vọng sẽ giữ chân trên 10.000 đến trên 40.000 người ở lại với hệ thống BHXH mỗi năm. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau 6 năm triển khai Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những bất cập, hạn chế. Vì vậy, Chính phủ đang giao Bộ LĐ-TB&XH sửa Luật BHXH theo hướng để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết lần sửa luật này cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tập trung điều chỉnh năm chính sách BHXH. Trong đó, đáng chú ý là việc giảm mức đóng tối thiểu hưởng lương hưu cho người lao động (NLĐ) từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, và điều chỉnh cách tính lương hưu…

Đề xuất giảm năm đóng BHXH tiến tới còn 10 năm

Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định của pháp luật hiện hành, NLĐ muốn được nhận lương hưu ngoài đáp ứng điều kiện về độ tuổi thì phải có mức đóng BHXH tối thiểu 20 năm. Đây được xem là khoảng thời gian quá dài đối với NLĐ, không phù hợp với khả năng duy trì việc làm của nền kinh tế.

Cạnh đó, NLĐ khi gặp khó khăn phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt, nếu đóng BHXH dài mới được hưởng lương hưu, nhiều người nản lòng. Đây là một trong những lý do số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng dần qua các năm.

“Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong tổng số những người giải quyết hưởng BHXH một lần thì có khoảng gần 10% là những người có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên…”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Theo đó, cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Đi cùng với chính sách này, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với NLĐ. Theo đó, NLĐ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, không nhận BHXH một lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội với mức tiền phù hợp.

Thực tế, trợ cấp hưu trí xã hội mà cơ quan soạn thảo đề cập hiện nay đang được quy định ở Luật Người cao tuổi với tên gọi là “trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi”. Đối tượng được hưởng chế độ này là người già đủ 80 tuổi và không có lương hưu. Tuy nhiên, khi đưa vào dự luật, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thiết kế rất mới để liên kết hỗ trợ giữa các tầng an sinh.

Cơ quan soạn thảo dự kiến đi kèm với đề xuất trên là việc giảm tuổi hưởng hưu trí xã hội xuống còn 70-75 tuổi, với mục đích người cao tuổi sẽ được hưởng ít nhất một tầng an sinh khi về già. Đây là phương án giải bài toán khoảng 9 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu không có lương hưu và trợ cấp hàng tháng như hiện nay.

Tỉ lệ lương hưu phải tương ứng với thời gian đóng BHXH

Trước đề xuất trên, đại diện Bộ Tư pháp và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, việc giảm số năm đóng BHXH, đồng nghĩa với việc NLĐ được nhận lương hưu sớm sẽ tác động đến việc cân bằng quỹ BHXH.

Bên cạnh đó, với quy định trên, NLĐ sẽ đóng thời gian ngắn, mức lương hưu thấp và có thể dẫn đến trường hợp không đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ khi nghỉ hưu, và có thể tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Vì vậy, hai đơn vị trên đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ tỉ lệ của lương hưu tương ứng như thế nào với thời gian đã giảm dần. Tức giữ nguyên mức hưởng 45% hiện hành hay giảm xuống tỉ lệ nào mà vẫn đảm bảo được điều kiện sống cho NLĐ.

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy thời gian tham gia BHXH 10 năm là đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tất nhiên thời gian đóng BHXH ngắn thì mức lương hưu có thể thấp, nhưng với khoản lương hưu được trả hàng tháng thì vẫn đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho NLĐ khi về già. Đặc biệt, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc đảm bảo trợ cấp xã hội cho người cao tuổi.

Cơ quan soạn thảo cũng dẫn chứng việc Trung Quốc thực hiện chính sách BHXH nông thôn mới và bảo hiểm hưu trí cho cư dân đô thị. Mức đóng góp tương đương 2 USD/tháng và mức hưởng hưu trí khoảng 18 USD/tháng, phần thiếu hụt 16 USD Mỹ (chiếm 89%) do ngân sách nhà nước bù.

“Khả năng ngân sách, khả năng đóng góp của bất kỳ quốc gia nào cũng có hạn, vì vậy thường phải có lộ trình từ việc đảm bảo cho người dân không có lương hưu tiến tới có mức lương hưu khiêm tốn. Sau đó, chúng ta mới chuyển sang giai đoạn nâng dần mức lương hưu đảm bảo mức sống cơ bản của người cao tuổi. Vì vậy, mục tiêu của Việt Nam cần chú trọng tới việc mở rộng diện bao phủ BHXH với mức hưởng có thể thấp hơn thay vì diện bao phủ hẹp với mức hưởng cao, hướng tới mục tiêu tiến tới BHXH toàn dân…”- Bộ LĐ-TB&XH lý giải.

Đi đôi với điều chỉnh giảm mức đóng, ông Trần Hải Nam cho biết sẽ sửa các quy định về cách tính lương hưu để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, nhằm giúp họ có được khoản tiền lúc về già.

“Tất nhiên trong chính sách chúng ta không khuyến khích đóng ngắn, đây là phương án để mở ra điều kiện, cơ hội cho nhiều NLĐ ở lại với hệ thống BHXH, nhằm giúp họ có tiền khi về già. Đối với những NLĐ có thu nhập ổn định thì khuyến khích tham gia lâu để có mức lương đảm bảo cuộc sống tốt hơn…”- ông Nam chia sẻ.

Còn tiếp...

Dự kiến hàng nghìn người ở lại với hệ thống BHXH, quỹ sẽ chi nhiều hơn

Một nguồn tin cho biết, nếu sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng xuống 15 năm tiến tới còn 10 năm sẽ làm giảm đối tượng hưởng BHXH một lần, bình quân ít nhất khoảng trên 10.000 đến trên 40.000 người mỗi năm.

Việc điều chỉnh trên giúp nhiều người đủ điều kiện hưởng lương hưu, nên trước mắt nguồn chi từ quỹ giảm, nhưng về lâu dài sẽ tăng do phải chi trả cho nhiều người hơn hưởng lương hưu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm