Tránh việc rút BHXH 1 lần: Cần sớm sửa đổi luật

(PLO)- Pháp luật về chính sách BHXH cần tiếp cận sát thực tế hơn, có lợi hơn cho người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Luật BHXH năm 2014 ra đời có thể nói là một bước tiến quan trọng của pháp luật quy định về chính sách BHXH cho hàng triệu người lao động (NLĐ) đang làm công ăn lương khi tham gia đóng BHXH. Có nhiều quy định về chế độ, chính sách của NLĐ tham gia BHXH mới hơn, tiến bộ và nhân văn hơn.

Qua hơn sáu năm thực thi Luật BHXH, hiện nay xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống, những quy định của Luật BHXH năm 2014 cần thiết phải được hoàn thiện, tiếp tục sửa đổi, bổ sung để toàn diện hơn. Đặc biệt là cần xem xét, nghiên cứu đánh giá để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những quy định về chính sách hưu trí để tiệm cận với cuộc sống hơn.

Nhân viên bưu điện tư vấn cho người dân về những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nhân viên bưu điện tư vấn cho người dân về những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nhiều điều luật của Luật BHXH chưa sát với thực tế

Hiện nay, Luật BHXH năm 2014 có dành hẳn riêng một chương gồm nhiều điều luật liên quan đến chế độ hưu trí (bao gồm cả chế độ hưu trí bắt buộc và chế độ hưu trí tự nguyện) và tỉ lệ hưởng chế độ hưu trí dành cho NLĐ khi tham gia BHXH.

Có thể nói đây là một trong những điều luật, chế độ quan trọng nhất của Luật BHXH được hàng triệu NLĐ quan tâm.

Hiện nay có những quy định của pháp luật về chế độ hưu trí, thời gian tham gia cũng như tỉ lệ tính đóng để hưởng chế độ lương hưu vẫn chưa thật sự sát với thực tế của cuộc sống. Nói cách khác, những quy định về tuổi nghỉ hưu, thời gian tham gia đóng BHXH để hưởng mức lương hưu cũng như tỉ lệ tính hưởng lương hưu vẫn còn nhiều bất cập.

Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia BHXH cũng đã ít nhiều gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền đóng, quyền thụ hưởng khi làm thủ tục nghỉ hưởng chế độ hưu trí của NLĐ.

Thứ nhất, việc tăng thời gian tham gia đóng BHXH đối với cả lao động nam và lao động nữ, lên 35 năm (đối với nam) và 30 năm (đối với nữ) để có thể hưởng chế độ hưu trí ở mức cao nhất là 75% cũng đã khiến nhiều NLĐ suy nghĩ và cân nhắc. Nhiều ý kiến cho rằng đây là quy định chưa hợp lý, vì thời gian tham gia BHXH quá dài để có thể hưởng được mức tối đa (cao nhất) khi về hưu.

Thực tế khi làm thủ tục, hồ sơ để giải quyết chế độ hưu trí, nếu theo quy định cũ, nhiều NLĐ sau khi nhận được quyết định nghỉ hưởng từ cơ quan BHXH, thời gian đóng BHXH còn dư ra nhiều năm, họ sẽ được nhận lại một khoản tiền là hàng chục triệu đồng cho số năm đóng dư.

Có thể thấy đây là khoản tiền không nhỏ và rất cần thiết sau khi nghỉ hưu để bản thân họ có thêm một khoản dành dụm, tích lũy khi ốm đau hoặc chi tiêu vào những vấn đề cần thiết.

Với những quy định hiện hành của Luật BHXH, chắc chắn nhiều NLĐ sẽ không còn nhận được khoản tiền dư cho thời gian đóng BHXH sau nghỉ hưu khi thời gian tham gia BHXH tăng thêm lên nhiều năm.

Thứ hai, trước đây, về việc tính hưởng chế độ hưu trí thì nếu NLĐ đã đóng đủ 20 năm BHXH, đối với 15 năm đầu sẽ được hưởng mức tối thiểu là 45%, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm sẽ cộng thêm 2% cho đến mức tối đa là 75%.

Theo quy định hiện hành, NLĐ bắt buộc phải đóng đủ BHXH 20 năm mới được hưởng mức thấp nhất là 45% khi đã đủ tuổi nghỉ hưởng chế độ hưu trí. Tính ra, NLĐ sẽ mất đi trên dưới 10% khi làm thủ tục nghỉ hưởng chế độ hưu trí so với quy định cũ nếu đã đủ tuổi nghỉ hưu. Điều đó cũng đồng nghĩa mức tiền hưởng lương hưu của họ cũng sẽ thấp hơn rất nhiều khi nghỉ hưu.

Những quy định của luật pháp về chính sách BHXH cần tiệm cận hơn, có lợi hơn đối với NLĐ.

Cần sửa đổi các quy định về tham gia BHXH

Thực tế gần đây đã có hàng trăm NLĐ không thể chờ đến lúc nghỉ hưu cũng như tiếp tục tham gia BHXH, họ đành lựa chọn nhận trợ cấp BHXH một lần sau khi nghỉ việc dù biết rằng việc nhận trợ cấp một lần sẽ bị thiệt hại nhiều hơn...

Do đó, thiết nghĩ cần nhanh chóng tiến hành sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật BHXH năm 2014 hiện nay được hoàn thiện hơn, đặc biệt là việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định về chính sách BHXH hưu trí. Trong đó cần chú trọng sửa đổi các quy định về thời gian tham gia BHXH, tỉ lệ tính hưởng lương hưu khi giải quyết chế độ nghỉ hưu để đảm bảo quyền đóng, quyền thụ hưởng của NLĐ.

Cũng cần nói thêm rằng, việc ban hành và thiết kế chính sách về chế độ hưu trí cần phải phù hợp và đảm bảo theo nguyện vọng số đông của NLĐ. Chế độ, chính sách hưu trí cần phải phù hợp với từng giai đoạn, từng đối tượng ngành nghề cũng như đời sống, sức khỏe của NLĐ. Đối với một số ngành nghề, tuổi nghỉ hưởng chế độ hưu trí cần phải được giảm, thời gian tham gia đóng BHXH cũng phải giảm chứ không phải tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian đóng BHXH như quy định hiện nay. Đặc biệt là đối với lao động nữ, nhất là lao động nữ làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm.

Tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ nếu làm trong điều kiện bình thường, nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi, hay đối với NLĐ làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, nam 55 tuổi và nữ 50 tuổi theo quy định cũ như trước đây là hoàn toàn phù hợp.

Ngoài ra, việc kéo giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm hay 10 năm để NLĐ đủ điều kiện để tiếp cận sớm chính sách lương hưu cũng là việc hoàn toàn hợp lý, chính đáng trong giai đoạn hiện nay. Điều đó cho thấy những quy định của luật pháp về chính sách BHXH cần tiệm cận hơn, có lợi hơn đối với NLĐ.

Thiết nghĩ, đó cũng là cách để giữ chân NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH, tiếp tục tham gia an sinh xã hội, để đến khi về già ai cũng có được thu nhập hằng tháng từ tiền lương hưu mà không phải rời bỏ hệ thống an sinh xã hội để nhận trợ cấp BHXH một lần như hiện nay.•

Bốn thiệt thòi khi người lao động nhận BHXH một lần

Việc nhận BHXH một lần sẽ khiến NLĐ bị thiệt thòi vì một số lý do sau:

Thứ nhất, NLĐ sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu hằng tháng, mất đi nguồn thu nhập ổn định hằng tháng để đảm bảo cho cuộc sống khi về già. Thân nhân không được hưởng chế độ tử tuất khi NLĐ không may qua đời. Mất cơ hội được tăng lương hưu khi Chính phủ điều chỉnh. Không có thẻ bảo hiểm y tế và phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh khi về già.

Thứ hai, số tiền khi nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH.

Thứ ba, thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác.

Thứ tư, NLĐ mất cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, NLĐ về hưu sẽ hưởng với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm