Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết mới đây, lãnh đạo 16 ngân hàng đã thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong năm tháng cuối năm 2021.

Theo đó, tính đến thời điểm này, đã có khoảng 12 nhà băng chính thức thông báo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch. Mức giảm lãi suất cho vay dao động 0,5%-3%/năm, tùy từng nhà băng và tùy từng đối tượng.

Các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: TL

Nhiều ngân hàng vào cuộc

Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) thông báo sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ nay đến ngày 31-12-2021. Cụ thể, nhà băng này giảm lãi suất 3%/năm đối với hộ kinh doanh và giảm 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà.

Đối với khách hàng DN thuộc năm ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh sẽ được vay với mức lãi suất chỉ từ 5,5%/năm với đồng Việt Nam và từ 3%/năm với USD.

Trước đó, bốn ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng đồng loạt thông báo giảm lãi suất cho khách đến hết năm. Cụ thể, Agribank giảm 1% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên. Tuy nhiên, đợt giảm lãi suất lần này của Agribank không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi trước đó.

Tương tự, ông lớn Vietcombank cũng quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng đến hết năm nay. Theo đó, đối với khách hàng DN, nhà băng này giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc chín ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đơn vị này cũng giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.

“Chương trình giảm lãi suất đợt này của chúng tôi không áp dụng với các khoản dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khác như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản” - đại diện Vietcombank thông tin thêm.

Không đứng ngoài cuộc, nhiều nhà băng khác như BIDV, Vietinbank, Sacombank… cũng quyết định giảm lãi suất cho vay. Ví dụ, đối với dư nợ hiện hữu, BIDV giảm bình quân 1%/năm so với lãi suất hiện hành. Riêng đối với một số nhóm khách hàng khó khăn, mức giảm tối đa là 2%/năm.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank, cho biết tổng dư nợ của ngân hàng này hiện khoảng 350.000 tỉ đồng. Như vậy, nếu lãi suất cho vay giảm 1% trong vòng 5-6 tháng, lợi nhuận của đơn vị giảm trên 1.000 tỉ đồng. Tương tự, lãnh đạo LienvietPostBank tính toán với tổng dư nợ hiện nay, nếu giảm lãi suất bình quân 1%/năm thì ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỉ đồng.

Đề xuất giảm lãi suất mọi khoản vay hiện tại

Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM cho thấy nhiều khách hàng đang vay vốn tại các ngân hàng thương mại đã nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay. Ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc DN tư nhân Cỏ May, cho hay vừa nhận được thông báo từ ngân hàng về việc giảm lãi suất vay 0,4%/năm. Với mức giảm này, lãi suất cho khoản vay vốn ngắn hạn của công ty còn 5,6%/năm so với mức 6%/năm trước đó.

Như vậy, nếu DN vay ngắn hạn 50 tỉ đồng với lãi suất 6%/năm thì trước đây mỗi tháng, riêng tiền lãi đã phải trả lên tới 250 triệu đồng. Giờ đây, lãi suất giảm xuống còn 5,6%/năm thì mỗi tháng phải trả khoảng 233 triệu đồng. Điều này có nghĩa tiền lãi mà DN được giảm khoảng 17 triệu đồng/tháng.

“Trong thời điểm mà các DN đang chịu tác động nặng nề của dịch, việc giảm lãi suất cho vay của ngân hàng đã thể hiện sự đồng hành gắn kết giữa ngân hàng với nhà kinh doanh. Tuy nhiên, mức giảm như trên không đáng kể so với những chi phí đang tăng theo từng ngày mà phía DN phải gánh chịu” - ông Tâm nói.

Ở chiều ngược lại, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ba Huân, thông tin đến thời điểm này công ty vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo nào của nhà băng về việc giảm lãi suất cho vay. “Việc quan trọng trước mắt với chúng tôi là tập trung lo sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu bình ổn thị trường” - bà Huân nói.

Nhiều người dân, DN khác cũng cho hay mới nắm được thông tin về việc các nhà băng giảm lãi suất chứ thực tế chưa được giảm. Do vậy, họ kỳ vọng được hỗ trợ lãi suất thực sự để có thể cầm cự vượt qua khó khăn, hoặc tiếp cận được nguồn vốn lưu động để cầm cự qua mùa dịch.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với hơn 10.000 hội viên mới đây đã có văn bản gửi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổ chức này đánh giá hiện nay rất nhiều hội viên đã đến giới hạn chịu đựng, nhiều đơn vị không có khả năng trả nợ gốc, lãi ngân hàng đúng hạn, đối diện với việc bị xem xét đánh giá xếp hạng tín nhiệm. Nếu tình hình khó khăn kéo dài, họ sẽ rơi vào tình trạng phá sản, người lao động mất việc làm.

Từ đánh giá trên, tổ chức này đề xuất giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của DN 2% trong ít nhất một năm. Trong đó, đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%.

“Mặt khác, hiện nay dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, rất nhiều DN không tiếp cận được lãi suất rẻ và tín dụng ưu đãi. Do đó, cần có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5 đến 2%/năm” - Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị.•

 

Kiến nghị không phạt, tăng hạn mức cho vay

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi được khoanh lại đến tháng 6-2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu. Đồng thời giảm 50% các chi phí liên quan tới ngân hàng như chuyển tiền, quản lý tài khoản, duy trì tài khoản…

Đặc biệt, tổ chức này đề nghị không giảm điều kiện tín dụng thông thường, không định giá lại các tài sản cầm cố nhưng tăng tỉ lệ hạn mức cho vay lên tối thiểu 10%. Ví dụ, trước đây cho vay 70% trị giá tài sản đảm bảo thì nay cho vay 77% và tối đa được phép cho vay 110% trị giá tài sản đảm bảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm