Giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

(PLO)- Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại cần tiết kiệm chi phí để có thêm nguồn lực giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 26/11/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.

Cần kích cầu tiêu dùng

Công điện nêu rõ, từ nay đến cuối năm, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, căng thẳng chính trị, xung đột quân sự có nguy cơ leo thang và lan rộng, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, giá dầu tiềm ẩn nguy cơ biến động mạnh. Tổng cầu trong nước còn yếu, vướng mắc của một số dự án năng lượng, bất động sản… chưa được tháo gỡ triệt để, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3.

Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, sớm khắc phục hậu quả bão số 3. Qua đó nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…

Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước… ưu tiên triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, các gói tín dụng cũng như các chính sách thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến kích cầu tiêu dùng.

Đối với NHNN, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức trực tuyến.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025…

Ngân hàng khó tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ảnh minh họa

Giảm lãi suất cho vay có dễ dàng?

Ngay khi tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

Nhìn lại thị trường, chúng ta dễ dàng nhận thấy xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện ngay từ đầu quý 2 năm nay liên tục kéo dài cho đến nay.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay đã có khoảng 15 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, có những ngân hàng cập nhật biểu lãi suất từ 2-3 lần tháng với xu hướng đi lên.

Mặc dù vậy, quy mô các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi vẫn được các ngân hàng liên tục mở rộng.

Đơn cử như SHB vừa nâng quy mô gói tín dụng từ 29.000 tỉ đồng lên 43.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh (bổ sung vốn lưu động, đầu tư tài sản cố định...) hoặc mua nhà đất, ô-tô, sửa chữa nhà ở, mua sắm đồ đạc…

Theo đó, tùy theo nhu cầu thực tế và khả năng tài chính, khách hàng có thể tiếp cận mức lãi suất 6,39%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 5,79%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, tương đương thấp hơn từ 3,5%-4,0% lãi suất cho vay thông thường.

Ngoài ra, khách hàng vay vốn theo các gói ngắn hạn, gói trung dài hạn và có nhu cầu sử dụng thêm tối thiểu 1 sản phẩm dịch vụ khác của SHB, sẽ được ưu đãi lãi suất giảm thêm tối đa 1%.

Hay như tại ACB, ngân hàng đang triển khai các gói tín dụng lên đến 4.000 tỉ đồng, với lãi suất chỉ từ 8,5%/năm, cố định trong suốt 5 năm đầu tiên (thời gian giải ngân từ hôm nay đến hết năm 2024)...

Tính đến 31-10, các ngân hàng thương mại đã thực hiện cho vay mới theo các chương trình ưu đãi với doanh số luỹ kế ưu đãi khoảng 27.000 tỉ đồng và hạ lãi suất cho các khoản vay hiện hữu với dư nợ được hạ lãi suất khoảng 82.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo tất cả các tổ chức tín dụng thực hiện tất cả các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng là người dân, doanh nghiệp khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và 116 sửa đổi.

Trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Đối với việc giảm lãi suất, để ổn định tỉ giá mà giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá, nên NHNN phải cân bằng, sẽ rất khó khăn khi phải thực hiện mục tiêu giảm lãi suất hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Nhưng nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá, và có thể ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư nhất các nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không ổn định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới