Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 103/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Công điện nêu rõ, dự báo cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn.
Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quyết liệt, kịp thời chỉ đạo, điều hành với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chủ thể, duy trì đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi chính sách. Điều này nhằm củng cố niềm tin, cải thiện đời sống cho người dân, nâng cao năng lực của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế đã ban hành; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo đúng quy định.
Bộ KH&ĐT được giao nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhanh, toàn diện, bền vững, nhất là các cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp, đóng góp cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho nhân dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại để đa dạng hóa sản xuất, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng…, thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Nghiên cứu tổ chức các chương trình hội chợ, ngày hội tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng và các hình thức khác để tăng sức mua của thị trường nội địa.
Thủ tướng cũng giao NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, NHNN khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản…
Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần chủ động tích cực theo thẩm quyền, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tại địa phương.
Trong đó đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bão lũ, về tài chính, pháp lý, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng…, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Khảo sát của Ban IV cho thấy, 60% doanh nghiệp vẫn đánh giá tiêu cực về tình hình kinh tế hiện tại, trong đó khu vực kinh tế tư nhân thể hiện rõ sự “hụt hơi” so với các khu vực khác.
Tỉ lệ doanh nghiệp tư nhân đánh giá tiêu cực về tình hình hiện tại lên tới 42%, cao hơn so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Điều này cho thấy sự phục hồi của khối tư nhân diễn ra chậm và kém bền vững.
Dù các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm thuế, giảm tiền thuê đất, cơ cấu nợ đã phát huy tác dụng nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu đơn hàng, nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế và thủ tục hành chính.
Đặc biệt, có tới 68,5% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc tạm ngừng kinh doanh trong 12 tháng tới. Tỉ lệ này cho thấy sức mạnh nội tại của doanh nghiệp đã bị bào mòn nghiêm trọng sau giai đoạn COVID-19 và lạm phát kéo dài.