Những bất ổn trong thời gian gần đây đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động sản xuất kinh doanh của Bangladesh-nhà xuất khẩu quần áo lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, các công ty dệt may Việt Nam có thể được “hưởng lợi” vì nhiều đối tác chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác bao gồm cả Việt Nam.
Theo đó, một số doanh nghiệp (DN) dệt may đã nhận được tin vui về đơn hàng nhưng cũng đối mặt với tình trạng khó tuyển dụng lao động.
Có khách hàng muốn “bao tiêu” cả nhà máy
Bà Phạm Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp Hội dệt may tỉnh Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Đại Tây Dương cho biết, các DN dệt may tỉnh Bình Dương nhận nhiều đơn hàng từ Bangladesh.
Hầu hết DN dệt may của tỉnh đều nhận đơn hàng đến cuối năm, có DN kí kết đơn hàng đến quý II-2025, đặc biệt có khách hàng muốn “bao tiêu” hàng hóa dệt may của cả nhà máy.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM thông tin, thời gian qua một số thị trường cung ứng hàng dệt may cho thế giới gặp khó khăn như bất ổn ở Bangladesh, khu vực Trung Đông cũng tác động đến Việt Nam khá nhiều.
Cụ thể, phần lớn DN đã nhận được đơn hàng theo kế hoạch đến cuối năm, có những DN tăng trưởng đến 20%.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cũng thông tin, hiện nay các DN dệt may Việt Nam nhận được đơn hàng từ Bangladesh dồn về với giá rẻ.
Tuy nhiên, các đơn hàng chất lượng cao xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Châu Âu không tăng do thị trường chưa phục hồi mạnh. So với cùng kỳ năm ngoái thị trường thời trang thế giới giảm 5%.
“Bangladesh cạnh tranh bằng thâm dụng lao động giá rẻ trong khi Việt Nam định hướng phát triển ngành công nghiệp dệt may có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn, công nghiệp thời trang”- ông Việt phân tích.
Cùng nhìn nhận trên, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, những đơn hàng từ Bangladesh đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao… nên DN dệt may tốp dưới có thể nhận. Đối với các DN dệt may lớn sẽ từ chối.
"Điều này khác hoàn toàn so với năm ngoái khi cả ngành dệt may Việt Nam thiếu đơn hàng. DN muốn duy trì giữ chân người lao động nên nhận cả đơn hàng dù biên lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng”- ông Tùng nói.
Hiện nay nhu cầu tuyển dụng của DN tập trung ở các vị trí như công nhân may, kỹ viên xưởng may, nhân viên thiết kế thời trang, tổ trưởng chuyền may, kỹ thuật viên làm rập, công nhân kỹ thuật dệt, lao động phổ thông.
Theo Thương Vụ Việt Nam tại Bỉ (Bộ Công thương), từ cuối năm 2023, tình hình kinh tế EU bắt đầu hồi phục, sức mua được cải thiện. Sáu tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU đạt 1,8 1 tỉ euro, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, đà giảm đã chậm hơn so với năm 2023 và dự báo từ nay đến cuối năm sẽ phục hồi hoàn toàn do nhu cầu cuối năm phục vụ các dịp lễ tết.
Ngành dệt may có khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD
Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM Phạm Xuân Hồng nhận xét trước đây do đơn hàng sụt giảm, nhiều công nhân về quê hoặc chuyển sang công việc khác, bây giờ DN dệt may có đơn hàng tăng trở lại nhưng khó tuyển, áp lực vấn đề thiếu lao động.
Ngoài ra, chi phí sản xuất tăng cao, chi phí đời sống người lao động cũng tăng. Vì vậy tăng thu nhập cho người lao động là vấn đề rất khó khăn đối với DN.
"Nếu DN không tìm được lao động cơ hữu sẽ tuyển thời vụ để đào tạo nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt cho sản xuất. Do đó, hiện nay bên cạnh cải thiện máy móc thiết bị, DN tăng ca để đảm bảo có thể thực hiện theo kế hoạch xuất hàng cho đối tác”- ông Hồng nói.
Nhiều công ty dệt may khác cũng cho hay, khó khăn hiện nay của các nhà máy là thiếu lực lượng lao động để đáp ứng được đơn hàng. Điều này buộc các công ty phải tăng ca liên tục.
Bên cạnh đó, mặc dù chi phí vận chuyển, nguyên phụ liệu đều tăng cao nhưng đơn hàng không thể tăng giá. Đồng thời, để thu hút người lao động, DN phải đưa ra các ưu đãi ngoài tăng lương cơ bản, chấp nhận giảm lợi nhuận để tăng chi phí cho công nhân.
“Ngoài ra, DN cần có sự hỗ trợ của địa phương. Chẳng hạn sau khi chúng tôi phản ảnh về chính sách nhà ở xã hội, tỉnh đang chú trọng để người lao động an cư lạc nghiệp. Song song đó, có những trường học được mở ra để con em họ đi học, giúp người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó với DN”- bà Phạm Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp Hội dệt may tỉnh Bình Dương nói.
Theo ông Việt, tình trạng một số DN dệt may khó tuyển người lao động chủ yếu là công nhân có tay nghề, có kỹ năng cũng như những xí nghiệp may hoạt động theo cách truyền thống bị ảnh hưởng. Lý do là thời gian qua do suy thoái kinh tế thế giới, các DN bị giảm đơn hàng nên người lao động chuyển sang ngành nghề khác. Song song đó, hiện nay đang vào dịp cuối năm những người lao động đã về quê không kịp quay lại.
Cũng theo ông Việt, dù một số DN dệt may khó khăn tuyển dụng lao động nhưng trong tháng 7 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 4,3 tỉ USD sang tháng 8 đạt 4,66 tỉ USD, tháng 9 dự kiến xấp xỉ 5 tỉ USD.
Số liệu từ Tổng Cục hải quan cũng cho thấy, tính đến giữa tháng 9 xuất khẩu dệt may của Việt Nam hơn 25 tỉ USD. Đặc biệt, nhiều nhà máy đã có đơn hàng đến cuối năm 2024, một số DN có đơn hàng hết quý I -2025.
"Vì vậy, ngành dệt may sẽ về đích 44 tỉ USD như mục tiêu đề ra và là tiền đề cho ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng trở lại", ông Việt nói.
Tuy nhiên, nhiều công ty trong ngành nhìn nhận, Việt Nam là quốc gia sở hữu một số lợi thế về dệt may nhưng còn chậm chuyển đổi xanh. Trong khi đó các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản...đòi phải dán nhãn xanh, nhãn carbon. Không chỉ vậy, các nhà nhập khẩu lớn còn yêu cầu cao về các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Như vậy, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng… thì tiêu chí phát triển bền vững cần được các doanh nghiệp dệt may Việt hết sức chú ý. Nói cách khác, ngành ngành dệt may muốn cạnh tranh, tồn tại và phát triển bền vững thì cần đáp ứng các tiêu chí trên
Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, nhiều nhà máy tại Bangladesh đóng cửa nên khách hàng cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Công ty Chứng khoán Agribank cũng nhận xét, hiện tại là cao điểm mùa xuất khẩu các mặt hàng may mặc nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm. Về dài hạn, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chắc chắn sẽ suy nghĩ đến việc tìm một quốc gia thay thế Bangladesh trong chuỗi cung ứng ngành dệt may, bởi tình trạng bất ổn và những rủi ro tiềm ẩn.
Trong bối cảnh trên, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như nguồn nhâncó tay nghề, các chính sách ưu đãi thu hút FDI, cơ sở hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện...