Nhiều ngành đang cần tuyển hàng ngàn lao động, lương có nơi 15 triệu đồng/tháng

(PLO)-Dù nhu cầu từ các doanh nghiệp dệt may da giày có dấu hiệu tăng nhưng việc thu hút và giữ chân người lao động vẫn khó khăn do nhiều yếu tố.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM cho biết, thời điểm này các doanh nghiệp (DN) nhận được đơn hàng tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, hiện nay thị trường chỉ đáp ứng 10% so với nhu cầu, các công ty gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Da giày TP.HCM cho rằng, do người lao động (NLĐ) dịch chuyển từ nghề này qua nghề khác nên hiện nay khi có các đơn hàng DN gặp nhiều khó khăn.

Dệt may, da giày cần 1.329 chỗ làm việc

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (trung tâm) cho biết, theo kết quả khảo sát của trung tâm tại 19.405 lượt DN tương đương 71.778 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực ngành dệt may, da giày cần 1.329 chỗ làm việc, chiếm 1,85% tổng nhu cầu nhân lực.

Nhu cầu của DN tập trung ở các vị trí như công nhân may, kỹ viên xưởng may, nhân viên thiết kế thời trang, tổ trưởng chuyền may, kỹ thuật viên làm rập, công nhân kỹ thuật dệt, lao động phổ thông,…

Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 42,96% tổng nhu cầu, trong đó trình độ sơ cấp chiếm 19,64% và nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỉ lệ 57,04%.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực ở lao động chưa có kinh nghiệm chiếm 82,69%; nhu cầu lao động có một năm kinh nghiệm làm việc 11,51%.

Về mức lương, nhu cầu nhân lực ở mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng chiếm 81,26%, tiếp đến là mức lương từ trên 10 - 15 triệu đồng/tháng chiếm 9,03%.

doanh nghiệp dệt may .jpg
Đơn hàng của doanh nghiệp tăng nhưng nhu cầu thị trường đáp ứng 10%. Ảnh: TÚ UYÊN

DN cần chiến lược linh hoạt để giữ chân người lao động

Trong bối cảnh ngành dệt may da giày đang có tín hiệu phục hồi, DN cần làm gì có thể thu hút được người lao động.

Theo bà Hiếu, thị trường lao động TP.HCM tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong ngành dệt may. Mặc dù nhu cầu từ các DN có dấu hiệu tăng nhưng việc thu hút và giữ chân NLĐ vẫn khó khăn do nhiều yếu tố tác động gồm mức lương, điều kiện làm việc và tâm lý của NLĐ.

Bà Hiếu cho rằng, trong giai đoạn khó khăn này, việc triển khai các chiến lược linh hoạt và toàn diện sẽ giúp DN giữ chân NLĐ đồng thời duy trì năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo đó, một số biện pháp DN dệt may có thể triển khai là nâng cao mức lương. Đảm bảo chế độ phúc lợi cho NLĐ như bảo hiểm y tế, hỗ trợ ăn uống, hỗ trợ chi phí đi lại, chăm sóc sức khỏe, chế độ làm thêm giờ, hỗ trợ chỗ ở.

DN cần tạo môi trường làm việc an toàn và lành mạnh. Đảm bảo nơi làm việc không chỉ tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn lao động mà còn cải thiện các điều kiện như không gian nghỉ ngơi, vệ sinh sạch sẽ và không khí làm việc tích cực.

Ngoài ra, DN xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động marketing, đảm bảo DN là nơi làm việc hấp dẫn với môi trường công bằng, minh bạch, thân thiện để thu hút lao động.

Hơn nữa, hiện nay công nghệ đang thay đổi nhanh, DN có thể tổ chức các khóa đào tạo lại và nâng cao tay nghề để NLĐ kịp thời nắm bắt công nghệ mới, phù hợp với các tiêu chuẩn mới của ngành. Qua đó tăng tính cạnh tranh cho DN, giúp NLĐ giảm lo ngại mất việc làm do thay đổi công nghệ.

Bên cạnh đó là tăng cường xây dựng chính sách khen thưởng rõ ràng và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp để giữ chân NLĐ có năng lực. DN cung cấp các chương trình hỗ trợ tinh thần như tư vấn tâm lý, các hoạt động đội nhóm giúp nâng cao tinh thần làm việc của NLĐ.

"Đặc biệt DN, ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong sản xuất giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào lao động chân tay, tối giản các công việc thủ công. Từ đó, có thể giúp giảm tải áp lực cho NLĐ"- bà Hiếu nói.

Nhu cầu nhân lực của bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM là 13.143 chỗ làm việc, chiếm 18,31% tổng nhu cầu.

Nhu cầu nhân lực của chín ngành dịch vụ chủ yếu là 46.690 chỗ làm việc, chiếm 65,05% tổng nhu cầu nhân lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm