Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc họp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) và một số bộ, ngành liên quan về việc điều hành chính sách tiền tệ.
Cần thu hồi room tín dụng của ngân hàng còn thừa
Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng năm nay đạt khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới.
“Điều hành tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng.
Các gói tín dụng khuyến khích cho các động lực tăng trưởng hay các vấn đề lớn của quốc gia thì cần mở rộng khi có hiệu quả. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các chương trình ưu đãi”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II-2024 đạt 6%. Đến cuối tháng 7 vừa qua, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỉ đồng, tăng 5,66% so với cuối năm 2023.
Trước đó, theo thông báo của NHNN, tín dụng tính tới cuối tháng 5-2024 mới đạt 2,41%. Như vậy, chỉ riêng trong tháng 6, tín dụng đã tăng 3,59%. Điều đó cho thấy, dù tăng tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế tăng tốc trong tháng 6, nhưng sang tháng 7 tín dụng quay đầu giảm.
Hiện nay số tiền mà người dân gửi tại ngân hàng đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng. Theo tính toán, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra cho cả năm nay là khoảng 15%, trong 5 tháng cuối năm 2024, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng phải tăng trưởng đạt tốc độ bình quân khoảng 1,86%/tháng. Tương đương, mỗi tháng sẽ có hơn 250.000 tỉ đồng cần được đưa ra nền kinh tế. Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với hệ thống ngành ngân hàng.
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng tín dụng còn hạn chế thì vẫn có những nhà băng bứt phá.
Trong nhóm big 4, nửa đầu năm nay BIDV ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 1,88 triệu tỉ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại Vietinbank, tính đến ngày 30-6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt 6,7%, nhưng đến ngày 22-7 vừa qua đạt, con số này đã nhích lên 7%.
Kết thúc 2 quý đầu năm, dư nợ tín dụng tại Vietcombank đạt gần 1,37 triệu tỉ đồng, tăng 7,68% so với cuối năm 2023. Agribank đạt dư nợ tín dụng 1,59 triệu tỉ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm.
Trong khi đó, ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, có những nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng gần 13%.
Báo cáo Thủ tướng tại cuộc họp mới đây, NHNN khẳng định, cơ quan này đã có nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đáng chú ý, theo NHNN, lãi suất với các khoản vay và tiết kiệm tiếp tục giảm. Tính đến cuối tháng 6-2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3% một năm, giảm 0,96% so cuối năm ngoái
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chính sách tiền tệ đã đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm nhưng mặt bằng lãi suất vẫn có xu hướng đi lên, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu vay vốn lên cao vào cuối năm.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu NHNN phải tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay. Đồng thời NHNN phải có giải pháp để nguồn vốn phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng tìm cách đẩy tiền ra nền kinh tế
Ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay cả năm nay tăng 15,75%, TPBank đang tập trung đẩy mạnh khai thác tệp khách hàng hiện hữu, linh hoạt điều chỉnh chính sách các sản phẩm cho vay.
"Chúng tôi thông qua nền tảng ngân hàng số để “may đo” các dịch vụ, sản phẩm theo từng nhu cầu của khách hàng”, ông Nguyễn Hưng thông tin.
Trong khi đó, theo ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, chiến lược thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của MB là thay vì chỉ ưu tiên vào những khách hàng có tài sản lớn, MB tập trung vào khách hàng ở tất cả các phân khúc. Đơn vị này còn thu hút khách hàng giao dịch chính trên nền tảng của MB, sau đó gia tăng dịch vụ phù hợp cho từng nhóm phân khúc.
Còn tại Agribank, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho rằng: Trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, đơn vị tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Đơn cử như triển khai 14 gói tín dụng đối với khách hàng mới, trong đó có 9 gói tín dụng dành cho khách hàng cá nhân, 5 gói dành cho khách hàng doanh nghiệp.
"Ngoài ra, chúng tôi tăng quy mô gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỉ đồng lên 8.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Agribank cũng thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả triển khai các chương trình ưu đãi.
Đặc biệt chúng tôi thực hiện 4 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của chúng tôi thuộc nhóm thấp trên thị trường", ông Ấn nói.
Không thể một mình một ngựa nâng lãi suất cho vay
Tuy nhiên, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng, điều này khiến nhiều doanh nghiệp, người dân lo ngại về mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.
Liên quan vấn đề này, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ngân hàng ACB cho biết: Việc tăng hay giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay là tùy thuộc vào nguồn lực của từng ngân hàng thương mại. Với những ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn - CASA lớn, có thể giúp điều hòa được chi phí giá vốn ngay cả khi mặt bằng lãi suất huy động đã tăng lên.
Song với những ngân hàng có quy mô nhỏ, khi điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn. Nhưng tôi cho rằng các ngân hàng sẽ nỗ lực giữ ổn định lãi suất cho vay ít nhất là đến cuối năm nay.
“Bởi chưa bao giờ việc cạnh tranh đối với cho vay khắc nghiệt như hiện nay. Nhất là khi hiện nay, các nhà băng phải công khai về lãi suất cho vay bình quân, nên một ngân hàng nào đó nâng lãi suất cho vay, ngay lập tức dòng tiền tín dụng sẽ chạy sang các ngân hàng có lãi suất thấp hơn.
Hơn nữa, các ngân hàng thương mại càng không thể một mình một ngựa mà nâng lãi suất cho vay lên được, mà chắc chắn cần tạo sự cạnh tranh trên thị trường. Trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phục hồi một cách bền vững thì việc giữ lãi suất thấp chắc chắn sẽ duy trì ít nhất đến cuối năm nay để cạnh tranh”, ông Phát nêu quan điểm.
Nợ xấu tăng nhanh
Cập nhật số liệu từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 vừa qua là 795.500 tỉ đồng, tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Nợ xấu của cả hệ thống tổ chức tín dụng ở mức cao và tiếp tục tăng chủ yếu từ nhóm các ngân hàng thương mại. Trong đó, SCB là ngân hàng có nợ xấu nội bảng lớn nhất trong hệ thống.
Đến cuối tháng 6-2024, tổng nợ xấu nội bảng và nợ tại VAMC chưa xử lý và cũng như nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng là 1.132.200 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ 6,44% so với tổng dư nợ. Con số này giảm so với mức 6,9% vào cuối năm 2023 nhưng tăng so với mức 4,21% vào cuối năm 2022, và cao hơn so với tỉ lệ nợ xấu nội bảng 4,56% tổ chức tín dụng đang thực hiện phân loại theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN.