Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm tới nay, ngành du lịch Việt Nam đã có bước nhảy vọt so với năm ngoái. Cụ thể, trong quý trong quý III, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,8 triệu lượt, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Cộng gộp 9 tháng, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phấn đấu đến cuối năm, đón thêm 4,3 - 5,3 triệu lượt khách nữa
Như vậy, trong 3 tháng cuối năm, Việt Nam sẽ cần phải đón 4,3 - 5,3 triệu lượt khách để hoàn thành mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 như đã đề ra.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Chỉ tiêu này là tương đương 3 tháng cuối năm 2019, khi chưa xuất hiện đại dịch COVID-19.
Bà Hương phân tích, quý IV-2019, du khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 5,1 triệu lượt, bình quân đạt hơn 1,71 triệu lượt khách/tháng. Còn từ nay đến cuối năm, ngành du lịch phải hấp dẫn hơn, để có thể bình quân mỗi tháng phải được 1,76 triệu lượt khách.
“Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động như hiện nay, khó có thể đạt được mục tiêu đón 18 triệu lượt khách trong năm 2024”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, với mục tiêu 17 triệu lượt khách quốc tế, Việt Nam có thể hoàn thành.
“Do quý IV hằng năm là mùa cao điểm của khách du lịch quốc tế, năm 2024 có thể đạt được mục tiêu đón 17 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước không có đột biến bất lợi”, bà Hương nhấn mạnh.
Để tạo tiền đề cho ngành du lịch phát triển trong thời gian tới, bà Hương đề nghị tiếp tục cải thiện chính sách visa, đặc biệt là mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, tìm kiếm thị trường khách mới thay vì tập trung vào một số thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, thu hút khách, tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tour du lịch. Đặc biệt là các sản phẩm du lịch dựa trên khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, khuyến khích chi tiêu khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch quốc tế, tăng doanh thu du lịch.
Du lịch muốn Chính phủ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, bên cạnh những kết quả cao về thu hút khách quốc tế, thu hút khách du lịch nội địa cũng tăng trưởng rất nhanh. 8 tháng đầu năm đã đạt 90 triệu lượt khách du lịch, vượt qua cả năm 2019.
Tuy nhiên, để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, ông Bình kiến nghị một số giải pháp.
Thứ nhất, là xây dựng hạ tầng du lịch, giao thông vận tải là yếu tố rất quan trọng với ngành du lịch, việc kết nối các điểm du lịch với nhau giữa các địa phương của Việt Nam và của Việt Nam với thế giới luôn rất quan trọng.
Thứ hai, trong vận tải, chúng ta cũng nên tăng cường vận chuyển đường sông và đường biển để phục vụ phát triển du lịch.
Về đầu tư các điểm du lịch, đề nghị các địa phương tập trung vào những điểm du lịch lớn, trọng điểm, hấp dẫn du khách, để xây dựng thành điểm nhấn cho hoạt động du lịch của địa phương, tránh dàn trải.
Thứ ba, ông Bình đề nghị Chính phủ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch. Sau đại dịch COVID-19, nhân lực ngành du lịch thiếu trầm trọng, hiện ngành chỉ đạt 60-70% lực lượng lao động so với trước kia.
Để phát triển lực lượng này, bên cạnh sự cố gắng từ phía doanh nghiệp, về lâu dài, Nhà nước vẫn cần hỗ trợ trực tiếp, giao cho doanh nghiệp để họ trực tiếp làm và có sự giám sát của các cơ quan liên quan. Nếu ngân sách phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực đến được với doanh nghiệp thì sẽ hỗ trợ hiệu quả và nhanh nhất.
Về xúc tiến du lịch, hiện tốc độ tăng trưởng khách du lịch của nước ta còn chậm so với nhu cầu do công tác xúc tiến còn yếu, Nhà nước ngoài việc lo xúc tiến ở các điểm đến quốc gia, hình ảnh của toàn quốc, điểm đến của Việt Nam, cũng cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch.
“Hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là hỗ trợ cho việc xúc tiến chung của các địa phương. Nếu Nhà nước có quỹ xúc tiến du lịch, hỗ trợ thẳng cho doanh nghiệp thì việc xúc tiến sẽ mạnh mẽ hơn, thu hút nhiều khách hơn”, ông Bình nói.