Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 1,6 tỉ USD, tăng 50% so với cùng kỳ 2023.
Cơ hội mới cho sầu riêng Việt Nam
Trung Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu về giá trị nhập khẩu. Trong đó sầu riêng tươi là sản phẩm mang về nguồn thu ngoại tệ nhiều nhất với giá trị hơn 1,47 tỷ USD, tăng gần 53%. Ngoài ra sầu riêng chế biến (sấy thăng hoa) cũng đạt 787.000 USD, tăng hơn 351 lần, đây là mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất ở thị trường Trung Quốc 7 tháng đầu năm.
Đứng ở vị trí thứ 2 là Thái Lan, chi 65 triệu USD mua sầu riêng Việt, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ mới năm ngoái, Thái Lan còn đứng ở vị trí thứ 8, điều này cho thấy tiềm năng của sầu riêng Việt đã ngày càng rộng cửa. Hong Kong đứng thứ ba với kim ngạch nhập khẩu gần 19 triệu USD, tăng gần 24%.
Các thị trường khác như: Hàn Quốc, Papua New Guinea, Nhật Bản và Campuchia cũng tăng mạnh từ 50% đến hàng chục nghìn phần trăm.
Đáng chú ý, từ tháng 6 tới nay Campuchia bất ngờ tăng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam. Nguyên nhân được Hiệp hội rau quả Việt Nam lý giải là do vụ mùa của nước này đã hết, nên gia tăng lượng hàng từ Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện sầu riêng Việt Nam đang được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh là sản phẩm đang được các doanh nghiệp xuất khẩu đi nhiều quốc gia.
Cùng với đó, diện tích sầu riêng Việt Nam đang có sự gia tăng nhanh chóng. Trong năm 2023, diện tích trên cả nước đạt hơn 150.000 ha, tương ứng với sản lượng sầu riêng đạt hơn 1,2 triệu tấn.
So với năm 2015, diện tích vùng trồng đã tăng gấp 5 lần, khi diện tích thời điểm đó đạt 32.000 ha, với sản lượng 366.000 tấn.
Nhìn về thị trường, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp Hội rau quả Việt Nam cho biết, quả sầu riêng Việt ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng nhờ sản xuất quanh năm, giá cả cạnh tranh, chi phí logistics thấp, nhất là khi vận chuyển qua Trung Quốc.
Đáng chú ý, trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, điều này mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam. Ông Nguyên cũng dự đoán, việc mở cửa thị trường tại Trung Quốc này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đạt 400 – 500 triệu USD trong năm nay.
Ngay cả khi chưa kịp xuất khẩu được sầu riêng đông lạnh thì ông Nguyên vẫn tin rằng quả sầu riêng Việt Nam vẫn được kỳ vọng đạt giá trị xuất khẩu ở mức 3 – 3,5 tỉ USD trong năm 2024.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, hiện sầu riêng Việt Nam còn đang nỗ lực vươn rộng đến một số thị trường tiềm năng là Hàn Quốc, Asean và đặc biệt là đang hướng đến thị trường tỉ dân Ấn Độ.
Theo các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp xuất khẩu, việc mở rộng thị trường là hướng đi tất yếu, để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn trong việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Sầu riêng chế biến nhiều kỳ vọng
Bên cạnh việc xuất khẩu dưới dạng quả tươi, các doanh nghiệp đã và đang hướng đến chế biến sâu sầu riêng để gia tăng giá trị và có thêm cơ hội nâng cao thị phần, chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu.
Là một doanh nghiệp có thế mạnh về xuất khẩu trái cây ra thế giới, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group nhìn nhận, ngoài sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh đang được nhiều thị trường yêu thích.
Hiện nay Vina T&T đã xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đi nhiều nơi, nhưng chủ yếu là các quốc gia mà sầu riêng tươi không thể tới được. Các sản phẩm đông lạnh cũng được đa dạng phù hợp với nhu cầu của thị trường xuất khẩu như sầu riêng nguyên trái, sầu riêng nguyên múi còn hạt, nguyên múi không hạt, cấp đông dạng kem, vỡ vụn để dùng chế biến.
Với việc Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng đông lạnh Việt Nam, người đứng đầu Vina T&T cho biết, đây là tin vui cho các doanh nghiệp để mở rộng và tiến sâu hơn vào thị trường nội địa của Trung Quốc.
Nguyên nhân là do hiện nay việc xuất khẩu trái tươi sẽ có hạn chế về thời gian bảo quản nên chỉ bán được ở các thị trường không quá xa biên giới hai nước. Trong khi, ở sâu trong nội địa Trung Quốc, người tiêu dùng có thu nhập cao vẫn chưa tiếp cận được nên sầu riêng đông lạnh sẽ mở ra cơ hội thâm nhập sâu vào những khu vực này.
Ông Tùng tính toán chỉ riêng việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc, Vina T&T dự kiến tăng thêm 30% doanh thu mỗi năm, tương đương khoảng 25 triệu USD trong thời gian tới.
"Vấn đề quan tâm hiện nay là năng lực cấp đông để bảo quản sầu riêng. Việt Nam sẽ cần đầu tư hệ thống cấp đông quy mô, hiện đại. Dù vậy, cũng không nên quá lo lắng vì hiện nay chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ cấp đông chuyên làm sầu riêng xuất khẩu đi các thị trường xa như Mỹ, EU..."- ông Tùng nói.
Vị này cũng cho biết, khi chế biến sâu sản phẩm sầu riêng, và nhất là xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ giải quyết áp lực đầu ra khi vào vụ thu hoạch cao điểm. Chưa kể, việc xuất hàng đông lạnh, còn giúp gia tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu trên cùng một chuyến xe.
Bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW cho biết, đơn vị xuất khẩu nông sản trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới, cũng nhìn nhận sầu riêng cấp đông (nguyên trái lẫn tách múi) được lòng nhiều quốc gia. Ngoài Trung Quốc, thì thị trường mỹ, Australia, châu Âu cũng rất tiềm năng.
Hiện tại doanh nghiệp bà Phi vẫn cũng đang tập trung phát triển tại Trung Quốc, bởi doanh thu từ thị trường này chiếm tới 98% giá trị xuất khẩu sầu riêng.
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng nhìn nhận, từ trước đến nay sầu riêng đông lạnh hoặc chế biến sâu chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan, Mỹ và châu Âu, Nhật Bản... Nay cánh cửa rộng mở sang thị trường Trung Quốc, giá trị xuất khẩu sầu riêng dự kiến có thể tăng đột biến lên 3 -3,5 tỉ USD. Trong đó dự kiến sầu riêng đông lạnh có thể đạt 400-500 triệu USD trong năm nay.
"Trong tương lai Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu sầu riêng đông lạnh tách múi bởi vừa tiện lợi khi loại bỏ rác từ nguồn, đảm bảo yêu cầu về môi trường của nước họ, vừa giảm chi phí vận chuyển. Sầu riêng đông lạnh có thể là mặt hàng chính mang lại giá trị cao", ông Nguyên dự đoán.
Cần mở rộng vùng trồng và cơ sở đóng gói
Việc mở rộng thị trường là rất quan trọng, nhưng chất lượng và uy tín vẫn là yếu tố quyết định. Để xuất khẩu bền vững, mở rộng nhiều thị trường, chúng ta nên nâng cao chất lượng, kiểm soát vi sinh vật gây hại, quản lý các mã số vùng trồng để tránh vi phạm. Nâng cao năng lực và công nghệ chế biến sâu sầu riêng.
Bên cạnh đó, cần mở rộng vùng trồng và cơ sở đóng gói để đáp ứng với phù hợp với năng lực sản xuất hơn 150.000 ha của sầu riêng nước ta.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng cơ quan phụ trách phía Nam Hội làm vườn Việt Nam, kiêm Phó Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam