Khách hàng bắt đầu 'mở hầu bao' mùa cuối năm, nhà kinh doanh phấn khởi

(PLO)- Doanh nghiệp xuất khẩu đang đón chờ sự tăng trưởng đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Sau thời gian tăng trưởng chậm khá ảm đạm, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã dần khởi sắc khi tăng trưởng với mức hai con số.

Doanh nghiệp ngành rau quả bứt phá

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, theo dự đoán của Bộ NN-PNTT, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt mức kỷ lục từ trước tới nay với 7 tỉ USD. 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả Việt Nam ước đạt hơn 4,6 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ.

Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu rau quả phải kể đến ngành sầu riêng, khi liên tục phá kỷ lục về giá trị xuất khẩu. 8 tháng năm 2024, xuất khẩu sầu riêng ước đạt trên 1,8 tỷ USD, đóng góp 40% trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Trong đó Trung Quốc là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu sầu riêng Việt.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group cũng nhìn nhận, năm 2024 ngành rau quả Việt Nam đón nhận nhiều tin vui về giá trị xuất khẩu tăng trưởng. Tại doanh nghiệp, các đơn hàng xuất khẩu vẫn được duy trì ổn định, liên tục hàng tháng, hàng quý.

Ông Tùng cho biết, 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà tăng trưởng cùng các đơn hàng đã ký, người đứng đầu T&T Group kỳ vọng 4 tháng cuối năm vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng như trên.

DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU
Doanh nghiệp rau quả mừng vì nhiều đơn hàng cuối năm. ẢNH: ĐÌNH TÙNG

"Nếu dừa tươi và sầu riêng đông lạnh có thể hoàn tất các thủ tục pháp lý để kịp xuất khẩu vào cuối năm nay, thì giá trị xuất khẩu của chúng tôi còn tăng cao hơn nữa, bởi đây là hai lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp. Dự kiến phải tăng khoảng 60% so với cùng kỳ”- ông Tùng kỳ vọng.

Vị này cũng nhìn nhận, giá cước vận tải biển đã giảm nhiều so với thời điểm nóng tháng 6 và tháng 7, nhất là các tuyến Mỹ, EU, đã phần nào giảm bớt áp lực chi tiêu cho doanh nghiệp, dồn lực thực hiện các kế hoạch kinh doanh của đơn vị.

Cung ứng mặt hàng gia vị, nông sản chế biến, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods cũng thông tin về tăng trưởng tích cực của doanh nghiệp. Ngoài tập trung thực hiện các đơn hàng đã ký kết, đơn vị này đang tích cực tham gia các hội chợ ở nhiều thị trường mới như Pháp, Canada… để tìm kiếm đơn hàng mới cho cuối năm và cả năm 2025.

Ngoài tập trung cho xuất khẩu, ông Dũng cũng nhìn nhận, thị trường trong nước cũng đã rục rịch tăng trưởng.

"Chúng tôi cũng đã ký cam kết về hàng hóa nội địa, các đơn đặt hàng B2B đang tăng trưởng tốt. Dự kiến tốc độ tăng trưởng chung cho năm 2024 vẫn đạt trên mức 10% so với cùng kỳ"- ông Dũng nói.

Có đơn hàng nhưng...

Cũng như các ngành nghề khác, doanh thu từ ngành dệt may, gỗ trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy những dấu hiệu chung phục hồi, khi người tiêu dùng có dấu hiệu 'mở hầu bao'

Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, tới thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã kín đơn hàng đến cuối năm, thậm chí có đơn vị đã bắt tay vào đàm phán cho năm 2025.

Vitas cho rằng, yếu tố chu kỳ nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm sẽ thúc đẩy ngành dệt may có nhiều tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.

Nói với PLO, ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Vitas bày tỏ kỳ vọng: Nếu không có biến động lớn trên thế giới thì thị trường dệt may sáu tháng cuối năm 2024 sẽ ấm lên đáng kể.

Một số doanh nghiệp như Công ty May 10 đã kín đơn hàng xuất khẩu đến tháng 10-2024, và kỳ vọng sẽ có tiến triển tốt cho dịp lễ hội Noel và Tết sắp tới. Hay như Dệt may TNG, theo dữ liệu từ hãng chứng khóa Rồng Việt, đơn vị trên đã có đủ đơn hàng cho đến quý 4-2024 nhờ những lợi thế về đa dạng tệp khách hàng và yếu tố ESG. Trong đó phần lớn là các đơn hàng từ Bangladesh, sau khi hàng loạt nhà máy tại đây ngưng hoạt động do công nhân đình công.

Dù vậy, theo ông Tùng, một thách thức lớn cho ngành dệt may là dù không thiếu đơn hàng nhưng giá trị lại thấp, gây rủi ro do doanh nghiệp về lợi nhuận.

Điều này là do các đơn hàng đến từ Bangladesh. Tại đất nước này, giá nhân công và chi phí sản xuất khá thấp. Cụ thể, lương tối thiếu của người lao động chỉ 80 – 90 USD/tháng, trong khi lao động Việt Nam là hơn 200 USD/tháng. Chưa kể dân số của họ lên đến 170 triệu dân nhưng diện tích chỉ bằng phân nửa so với Việt Nam.

Vì vậy, nhiều đối tác đang dùng chi phí tại Bangladesh để đặt hàng tại Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt.

“Có doanh nghiệp không dám nhận đơn vì giá quá thấp. Chưa kể còn có đơn hàng nhỏ, giá lại rẻ khiến nhà máy khó tuyển dụng đủ lao động, rủi ro lớn trong việc thu hồi lợi nhuận, nhất là khi chi phí nhân công đã tăng, khi lương tối thiểu đã tăng 6% kể từ tháng 7”- ông Tùng nói.

Dù vậy, nhìn về tương lai, hãng Chứng khoán Dầu khí (PSI) vẫn đưa ra mức kỳ vọng đơn hàng sẽ hồi phục rõ rệt kể từ quý IV, thời điểm các nhãn hàng bắt đầu chuẩn bị cho vụ xuân hè 2025. Quan trọng tình hình lạm phát tại các thị trường trọng điểm đã hạ nhiệt, và chi tiêu của người tiêu dùng dần ổn định.

Đối với ngành gỗ, dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương cho biết, lũy kế 7 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,9 tỉ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ.

Các thị trường trọng điểm của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phần lớn đều tăng trưởng khả quan, chỉ riêng Hàn Quốc ghi nhận sụt giảm nhẹ.

Một số doanh nghiệp gỗ như Gỗ Thuận An (MCK: GAT) báo cáo đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 10 và tháng 11-2024. 6 tháng đầu năm, doanh thu của đơn vị này cũng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 137 tỉ đồng.

Hay như Gỗ Trường Thành, báo cáo tài chính của đơn vị này cho thấy sức khỏe doanh nghiệp đang dần cải thiện, khi 6 tháng đầu năm 2023 thua lỗ thì qua cùng kỳ 2024 đã có lợi nhuận sau thuế đạt 7,6 tỉ đồng.

Dù vậy, theo Hiệp hội chế biến gỗ TP.HCM, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hiện phải đối diện với những thách thức mới như chống phá rừng, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon...

Cần có kế hoạch kinh doanh bền vững

Dự đoán về kinh tế thời gian tới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết sẽ tích cực trong quý 4-2024.

Dựa theo kinh tế từ tháng 6 tới thời điểm hiện tại, ông Thịnh cho rằng, tăng trưởng GDP có thể đạt mức 6,8 - 7,2% và lạm phát 3,8 - 4,1%.

"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề đã có đơn hàng đến hết quý 4-2024, đây là tín hiệu tốt cho tăng trưởng kinh tế. Cùng với các chính sách kích cầu, giảm thuế... của Chính phủ, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm sẽ tích cực. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng sẽ thực hiện được tốt các kế hoạch kinh doanh đã định"- ông Thịnh nói.

Để đạt được các kế hoạch kinh doanh tốt nhất, theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp nên khai thác đồng đều thị trường nội địa và xuất khẩu.

"Cùng với đó, hiện nay mặc dù kinh tế thế giới có nhiều khởi sắc nhưng rào cản cũng không thiếu. Trong đó, bài toán xanh hóa là thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đã trở thành yêu cầu bắt buộc cần có để khai phá và duy trì cơ hội thâm nhập sâu rộng ở các thị trường quốc tế"- ông Thịnh nhấn mạnh.

Gợi ý về hướng ra cho thách thức, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, doanh nghiệp cần định hình lại quy trình sản xuất, tích cực chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ xanh để tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu lượng chất thải. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng để đảm bảo rằng nguyên liệu và sản phẩm được sản xuất và vận chuyển một cách bền vững và hiệu quả.

Về phía chính phủ, cũng nên cần nhiều gói vay với các mức lãi suất tốt, để hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình, dây chuyền sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn EGS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm